Quy định gửi hàng hóa qua xe khách phải ghi đầy đủ thông tin: Khó áp dụng vì thiếu chế tài

Từ ngày 1/9, theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 47), người gửi hàng trên xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này chưa được thực hiện nghiêm do cả người gửi hàng lẫn nhà xe đều xem nhẹ.

Lúng túng với quy định mới

Lâu nay, việc gửi hàng hóa qua xe khách đã trở nên phổ biến. Nhiều người có thói quen chỉ ghi tên, số điện thoại người nhận và trả chi phí, hàng sẽ được đưa đến địa chỉ theo yêu cầu. Từ những thùng, bọc, bao tải to đến nhỏ gọn, thậm chí là các loại giấy tờ cũng được vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi, đơn giản.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra xe khách có vận chuyển hàng hóa trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Lạng Giang ngày 9/9.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra xe khách có vận chuyển hàng hóa trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Lạng Giang ngày 9/9.

Tuy nhiên, do những cuộc giao dịch gửi hàng qua xe khách hầu hết được thực hiện dưới dạng trao đổi miệng, nhà xe chỉ kiểm tra hàng hóa qua loa, chủ quan nên có nhiều kẽ hở trong hoạt động này. Thực tế, thời gian qua có không ít trường hợp lợi dụng hình thức vận chuyển hàng hóa này để trao đổi, mua bán hàng cấm, hàng lậu...

Để quản lý chặt chẽ dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe khách, từ ngày 1/9/2022, theo Nghị định 47, người gửi hàng phải cung cấp đầy đủ, chính xác một số thông tin gồm: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân, điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Thế nhưng hiện nay việc thực hiện quy định này còn nhiều bất cập. Sáng 9/9, trong vai một người cần gửi hộp hàng ra Hà Nội cho người thân, chúng tôi đến Bến xe khách Bắc Giang và được giới thiệu gửi xe tuyến Bắc Giang – Mỹ Đình. Phụ xe khi nhìn thấy chiếc hộp chỉ yêu cầu chúng tôi đề tên và số điện thoại người nhận, sau đó đưa mảnh giấy in sẵn tên lái, phụ xe, số điện thoại, thu 50 nghìn đồng mà không có bất kỳ thông tin nào thêm.

Khảo sát trên một tuyến khác cũng có tình trạng tương tự. Anh Nguyễn Văn Hoàng, lái xe kiêm chủ xe tuyến Bố Hạ (Yên Thế) – Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, xe của anh mỗi ngày chạy 4 lượt đi về, trên xe thường xuyên nhận gửi hàng.

Thời điểm lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra xe (sáng 9/9), trong cốp cũng có hàng gửi từ Hà Nội về và thùng hàng chỉ có tên, số điện thoại người nhận. Anh Hoàng nói: “Khách gửi thùng hàng nhưng tôi không biết cụ thể là hàng gì”.

Về phía khách hàng, nhiều người băn khoăn vì lo ngại thông tin cá nhân bị lộ lọt. Chị L.T.H ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) bày tỏ: “Tôi thường xuyên nhận và gửi hàng đi nhiều nơi do bán hàng online. Nếu theo quy định, tôi phải điền đầy đủ thông tin lên các kiện hàng nhưng như vậy rất đáng ngại vì ai cũng nhìn thấy, dễ dàng dùng điện thoại chụp lại”.

Tăng cường quản lý

Theo tìm hiểu, Sở Giao thông – Vận tải đã có công văn thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bến xe khách trên địa bàn tỉnh về thực hiện Nghị định 47.

Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, Sở đã cho đăng tải toàn bộ nội dung Nghị định 47 và những tài liệu liên quan trên trang thông tin điện tử và đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chủ động nghiên cứu, phổ biến đến lái, phụ xe để thực hiện nghiêm túc.

Từ ngày 1/9/2022, theo Nghị định 47 của Chính phủ, người gửi hàng phải cung cấp đầy đủ, chính xác một số thông tin gồm: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân, điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Quy định này rất cần thiết, giúp cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa, nâng cao trách nhiệm của người gửi hàng và đơn vị vận chuyển, ngăn ngừa việc lợi dụng xe khách để chuyển hàng phi pháp.

Đồng thời, những thông tin đó góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, giảm thiểu rủi ro, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện có thể xảy ra, bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch dân sự vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh ý thức chấp hành chưa tốt của một bộ phận khách hàng, lái, phụ xe khi nhận - gửi hàng, một phần nguyên nhân chính của việc thực hiện quy định chưa nghiêm túc, đầy đủ do Nghị định 47 đưa ra yêu cầu như vậy nhưng thiếu chế tài xử lý. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải phải có biện pháp kịp thời, kiên quyết hơn.

Ông Nguyễn Trần Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang trao đổi: Công ty yêu cầu toàn bộ lái, phụ xe và chủ xe góp vốn nghiêm chỉnh chấp hành quy định theo Nghị định 47. Lãnh đạo doanh nghiệp phân công bộ phận pháp chế thường xuyên cử lực lượng đi kiểm tra, giám sát và tiếp nhận thông tin từ khách hàng để xử lý những trường hợp vi phạm.

Do đây là quy định mới nên bước đầu triển khai không tránh khỏi vướng mắc, lúng túng, đòi hỏi các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp, trong đó có vai trò của lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông.

Được biết, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường có kết hợp kiểm tra xe khách. Nếu thấy có trường hợp nhận chuyển hàng thì tuyên truyền, vận động lái, phụ, chủ xe tìm hiểu quy định, thực hiện đúng việc ghi đầy đủ thông tin người gửi và nhận hàng.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/390973/quy-dinh-gui-hang-hoa-qua-xe-khach-phai-ghi-day-du-thong-tin-kho-ap-dung-vi-thieu-che-tai.html