Quy định gây khó cho người lao động

Quy định khi nhận BHXH một lần phải có giấy xác nhận không tự phục vụ đã gây khó cho người lao động, nhất là người bị bệnh hiểm nghèo

Vừa qua, bà N.H.C (quận 3, TP HCM) gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh về việc bị ung thư, mong muốn được giải quyết chế độ BHXH một lần. Thế nhưng, yêu cầu của bà C. đã không được cơ quan chức năng giải quyết.

Quy định gây khó cho bệnh nhân

Lý giải việc không giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ), cơ quan chức năng viện dẫn Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 1-3-2018 thì ngoài hồ sơ theo quy định cần có giấy xác nhận không tự phục vụ của bệnh viện. Cụ thể, theo khoản 1, điều 4 Thông tư 56 quy định các bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần gồm: "Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn". Như vậy, NLĐ phải có thêm trích sao, tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.

"Tôi có bệnh, rất cần tiền để chữa trị ung thư. Luật quy định đã rõ, người có bệnh hiểm nghèo thuộc đối tượng được nhận BHXH một lần. Vậy hà cớ gì lại thêm quy định trên trời là cái giấy chứng nhận không tự phục vụ được. Bệnh nhân có tự phục vụ được hay không là chuyện riêng của chúng tôi" - bà C. rầu rĩ.

Không chỉ có bà C. mà còn rất nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo không được giải quyết chế độ BHXH một lần.

Trao đổi với đại diện các bệnh viện, thì được trả lời rằng không có cơ sở để xác nhận tình trạng không tự phục vụ. Một đại diện bệnh viện giải thích thêm nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo nhưng tinh thần sáng suốt, vẫn có thể đi lại nên bệnh viện cũng không thể xác nhận là không tự phục vụ. Các trường hợp này phải ra hội đồng giám định y khoa.

Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM

Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM

Sớm bãi bỏ

Một lãnh đạo BHXH TP HCM chia sẻ Luật BHXH quy định 4 trường hợp được nhận BHXH một lần. Trong đó, việc quy định NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được nhận BHXH một lần là hết sức nhân văn, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có tiền để trang trải chi phí bệnh tật.

Giám đốc BHXH TP HCM Phan Văn Mến cho rằng quy định này đã và đang vấp phải sự phản đối gay gắt của NLĐ. Những người đến nộp hồ sơ theo diện bệnh nguy hiểm đến tính mạng, họ đều rất cần tiền để chữa bệnh với hy vọng kéo dài thêm sự sống. Tuy nhiên, trong bản tóm tắt bệnh án của bệnh viện đều không có nội dung xác nhận tình trạng không tự phục vụ được. Điều đó đồng nghĩa với việc hồ sơ của NLĐ không đủ điều kiện để được giải quyết theo diện bệnh hiểm nghèo.

"Nhiều NLĐ không đồng tình, tỏ ra bức xúc và phản ứng rất gay gắt, cho rằng có sự vô cảm trước tình trạng bệnh, thấy chết mà không cứu bởi ai cũng đều biết ung thư là bệnh nan y hết sức nguy hiểm, có thể lấy đi sinh mạng của người bệnh bất cứ lúc nào. Đặc biệt là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải chịu những cơn đau hết sức khủng khiếp, song đặc điểm của bệnh là hầu hết các bệnh nhân ung thư đều tỉnh táo và có thể kiểm soát được tứ chi. Khi bệnh nhân không còn tự kiểm soát hay không tự phục vụ được nữa thì cũng là lúc người bệnh sắp qua đời. Chúng tôi cũng đắng lòng lắm, song chiếu theo quy định thì không có cơ sở để giải quyết BHXH một lần cho NLĐ" - ông Phan Văn Mến chia sẻ.

Vừa qua, BHXH TP HCM đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TP HCM có ý kiến chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP lưu ý việc xác nhận về tình trạng tự phục vụ của NLĐ khi cấp trích sao, tóm tắt hồ sơ bệnh án, biên bản giám định y khoa. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH trong việc tiếp nhận và giải quyết chế độ cho NLĐ, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Cũng theo BHXH TP HCM, hiện nay việc giải quyết trợ cấp BHXH 1 lần đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc suy giảm khả năng lao động 81% còn quy định chưa rõ ràng, khó xác định. Trong số các bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng đủ điều kiện giải quyết trợ cấp BHXH một lần được quy định tại khoản 1 điều 60 Luật BHXH thì cơ quan BHXH rất khó xác định đối với bệnh lao, bệnh bại liệt vì không có cơ sở để kết luận trường hợp nào thì được coi là lao nặng, trường hợp liệt nào thì được coi là bại liệt. BHXH TP HCM kiến nghị cần quy định rõ hơn các bệnh hiểm nghèo hoặc cần ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo được hưởng BHXH 1 lần.

Bài và ảnh: Bảo Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/quy-dinh-gay-kho-cho-nguoi-lao-dong-20210711160927024.htm