Quy định gắn hộp đèn, nhiều tài xế lo mất việc

Nhiều tài xế lo lắng nếu quy định ô tô kinh doanh vận tải dưới chín chỗ đều phải gắn hộp đèn thì họ đứng trước nguy cơ mất việc.

Năm 2014, một số công ty công nghệ cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như Grab, Uber, iMove, Liver Taxi… xuất hiện tại Việt Nam. Sự ra đời này mang lại cho người dân một dịch vụ tiện ích như nhanh, giá rẻ, chất lượng dịch vụ nâng cao…

Nguy cơ “tái nghèo”

“Loại hình này không chỉ giúp tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường mà còn giúp hàng ngàn người dân có cơ hội kiếm thêm thu nhập…” - anh Mai Văn Long (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Là công chức, anh Long nhận mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Sau khi lập gia đình, chi phí sinh hoạt tăng cao, lại “nuôi” thêm chiếc ô tô nên gia đình anh gặp khó. Anh dự tính bán xe thì Grab, Uber xuất hiện nên anh thử đăng ký làm đối tác.

Mỗi ngày, ngoài công việc chính, ban đêm anh tranh thủ chạy Grab đến 22 giờ, thứ Bảy và Chủ nhật chạy cả ngày. “Thu nhập tháng đầu tiên lên đến 15 triệu đồng. Với hai khoản thu nhập, tôi không những nuôi được vợ con mà còn tích lũy được một số vốn từ việc chạy Grab” - anh Long khoe.

Tuy nhiên, anh Long lo lắng sẽ mất đi nghề tay trái nếu buộc xe gắn hộp đèn. “Vì tôi tận dụng phương tiện đi lại của nhà kiếm thêm thu nhập, lúc nào rảnh mới chạy chứ không phải làm thường xuyên. Buộc tôi gắn chữ taxi tới cơ quan rất bất tiện. Nếu Bộ GTVT ra quy định đó, phải bỏ nghề thôi…” - anh Long lo lắng nói.

Anh Nguyễn Sơn, một nhân viên bất động sản ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết cách đây ba năm anh mua ô tô “xịn” để phục vụ giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh nên khoản tiền nợ ngân hàng 500 triệu đồng chưa trả được. Anh Sơn quyết tâm làm đối tác của Grab và đến nay nợ ngân hàng được trả hết. “Giờ ngân hàng đang “vay” lại tôi 100 triệu” - anh Sơn khoe.

Anh Sơn cũng quan tâm đến quy định xe kinh doanh vận tải dưới chín chỗ phải gắn hộp đèn. Bởi nếu quy định này được áp dụng, anh phải bỏ nghề. “Xe này tôi chỉ sử dụng làm thêm, gắn hộp đèn rất bất tiện trong việc giao dịch với khách hàng cũng như sinh hoạt gia đình” - anh Sơn nhận định.

Với góc độ khách hàng, chị Nguyễn Thị Hương nhận xét: “Trước đây tôi không nghĩ có những chuyến đi 6 km chỉ mất 20.000 đồng hoặc miễn phí. Tài xế chạy rất cẩn thận, ứng xử văn minh… nên tôi thường xuyên sử dụng Grab”.

Bàn đến quy định gắn hộp đèn để nhận diện, chị Hương cho rằng không cần thiết vì app có đầy đủ dữ liệu như biển số, số điện thoại tài xế, lịch trình chuyến xe, kính trước có chữ “Xe hợp đồng”… nên không một khách hàng nào gặp khó.

Một số người dân sử dụng xe nhàn rỗi dưới chín chỗ kinh doanh sẽ phải gắn hộp đèn như taxi. Ảnh: VIẾT LONG

Một số người dân sử dụng xe nhàn rỗi dưới chín chỗ kinh doanh sẽ phải gắn hộp đèn như taxi. Ảnh: VIẾT LONG

Nhận diện xe để làm gì?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, phân tích mục đích, nhu cầu nhận diện xe của hành khách và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Dương, về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng như vị trí, biển số xe, hãng xe... nên việc gắn hộp đèn không cần thiết.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì nhận diện xe để làm gì? Ông Dương đặt câu hỏi và cho rằng nếu để xử phạt thì sắp tới cả nước đã lắp đặt hệ thống camera phạt nguội, hơn nữa đã tham gia giao thông thì xe nào vi phạm cũng đều phải xử phạt. Bên cạnh đó, các xe kinh doanh vận tải đã đăng ký biển số, phù hiệu, kính phía trước dán chữ “Xe hợp đồng”... Nếu đưa thêm các điều kiện trên chắc chắn phát sinh chi phí cho chủ xe và doanh nghiệp, tạo ra lãng phí xã hội lớn nhưng lại không mang lại thuận lợi hơn cho công tác quản lý.

Ngoài ra, ông Dương cho rằng gắn hộp đèn theo cách hiểu cũ là để nhận diện và quảng bá thương hiệu. Như vậy, một tài xế dùng nhiều app phải dán nhãn 5-10 thương hiệu, trông nhếch nhác, bất tiện, nhất là xe gia đình.

Để quản lý được loại hình Grab, theo ông Dương, cơ quan quản lý nhà nước cần tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu tài xế chia sẻ dữ liệu di chuyển. Qua thiết bị trên, xe nào đi vào những vị trí cấm thì phạt nguội thật nặng, thậm chí phạt đến mức phải bỏ nghề.

Nếu quy định này được ban hành, ông Dương cho rằng chi phí doanh nghiệp sẽ được đẩy lên cao, dẫn tới tăng giá cước vận tải. “Và đương nhiên tất cả các bên đều không hưởng lợi. Bởi khi giá rẻ, nhiều người sử dụng thì Nhà nước, doanh nghiệp đều có lợi và ngược lại” - ông Dương phân tích.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng nếu buộc loại hình Grab gắn hộp đèn sẽ biến hàng chục ngàn xe hợp đồng đang sử dụng ứng dụng kết nối vận chuyển trở thành taxi. Bên cạnh đó, triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém.

“Các đơn vị vận tải hợp đồng không được hưởng thành quả tiến bộ của công nghệ mới để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của mình. Điều này đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp…” - TS Long nhận định.

NGUYỄN LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/quy-dinh-gan-hop-den-nhieu-tai-xe-lo-mat-viec-828765.html