Quy định diện tích làm việc cho giáo sư, giảng viên có cần thiết?

Dự thảo quy định về nơi làm việc, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên gây nhiều ý kiến trái chiều, bởi không có tính khả thi.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ từ nay đến ngày 30/11.

Thông tư áp dụng đối với các đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên (cơ sở đào tạo) trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ GD&ĐT dự kiến quy định tỷ lệ diện tích phòng, hội trường tại trường đại học.

Bộ GD&ĐT dự kiến quy định tỷ lệ diện tích phòng, hội trường tại trường đại học.

Dự thảo nêu rõ về diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên. Theo đó, mỗi giáo sư cần có diện tích 24m2. Mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2. Mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.

Về phòng nghỉ cho giảng viên: Mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng của phòng nghỉ cho giảng viên là 3m2/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24m2/phòng.

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên, có tối thiểu 1 giảng đường với quy mô từ 200 chỗ trở lên. Đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 thư viện, 1 ký túc xá. Mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 trạm y tế, với tổng diện tích chuyên dùng là 300m2...

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia, giảng viên cho rằng nếu được làm việc như đúng tiêu chuẩn là điều đáng mừng, song theo tình hình thực tế hiện nay, tùy từng trường dựa trên điều kiện để sắp xếp nơi làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên.

Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, dự thảo cũng xa dời thực tế, dễ gây tốn kém, lãng phí. Nhiều trường đại học hiện nay hoạt động theo mô hình tự chủ, nếu quy định được áp dụng, một số cơ sở sẽ phải nâng cấp, cải tạo, thậm chí xây dựng lại hệ thống cơ sở vật chất dẫn đến chi phí xây dựng lớn, đồng nghĩa với việc tăng chi phí xây dựng phải bù đắp bằng tăng học phí của sinh viên.

Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, lý do xây dựng dự thảo là để sử dụng có hiệu quả diện tích, ngân sách Nhà nước đối với trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 152/2017/NĐ-CP.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, việc quy định diện tích làm việc cho GS, PGS, giảng viên là cần thiết. Nếu như không có quy định xác định diện tích như vậy thì khi trường muốn lập dự án đầu tư, trong dự án đó muốn có diện tích cho các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên có nơi làm việc thì sẽ không được phê duyệt.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/quy-dinh-dien-tich-lam-viec-cho-giao-su-giang-vien-co-can-thiet-20191005163237211.htm