Quy định 'dẹp loạn' trang phục ở lễ hội

Dù biển báo tại cổng các đền, chùa, di tích, lễ hội đều ghi rõ nơi tôn nghiêm không mặc váy ngắn, quần ngắn, nhưng nhiều người vẫn vi phạm.

Tại các điểm tâm linh vẫn có nhiều người mặc thiếu kín đáo. (Ảnh minh họa).

Tại các điểm tâm linh vẫn có nhiều người mặc thiếu kín đáo. (Ảnh minh họa).

Đầu xuân 2021, hình ảnh nhóm phụ nữ ăn mặc phản cảm tại chùa Linh Quy Pháp Ấn (Bảo Lộc, Lâm Đồng) - ngôi chùa khá nổi tiếng khi được nhiều bạn trẻ đến đây tham quan, chụp ảnh - lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.

Nhóm phụ nữ trên khoảng 20-30 người mặc áo khoét nách, hở bụng, ưỡn người tạo dáng chụp hình khu vực cổng trời trước chùa. Dù ở chốn thanh tịnh nhưng cả nhóm lại nói chuyện, cười đùa lớn tiếng, làm phiền nhiều du khách khác.

Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Thủy - giáo viên tại Hà Nội - đăng tải loạt ảnh kèm theo clip một du khách diện trang phục phản cảm ở chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng). Theo đó, khi đi du lịch cùng gia đình, chị gặp một cô gái mặc quần đùi ngắn và áo không khác gì đồ bơi vào thăm chùa. Không những thế, cô còn đứng giữa sảnh, quay lưng vào tam bảo, tạo dáng chụp hình.

Không chấp nhận được cảnh tượng này, chị Thủy đã nói với nữ du khách này: "Bạn có thể nói tiếng Anh không? Xin lỗi nhưng khi thăm một ngôi chùa, đền, bạn nên mặc trang phục như tôi. Mặc như bạn rất không lịch sự". Ngay sau đó, cô gái hiểu ra vấn đề và rời khỏi vị trí đang đứng. Mặc dù vậy, hình ảnh này vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng mạng…

Hiện nay, ban quản lý tại nhiều chùa, đền, miếu, di tích, lễ hội đều chuẩn bị tủ áo choàng dài tay để các du khách lỡ mặc quần áo ngắn, hở hang mượn mặc cho kín đáo. Nhưng một số người vẫn lờ đi và những hình ảnh ăn mặc phản cảm ngày càng tiếp diễn.

Về hiện tượng giới trẻ đua nhau khoe ảnh chụp tại nơi tôn nghiêm với cách tạo dáng và ăn mặc thiếu ý thức, nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, một bộ phận giới trẻ thiếu giáo dục, thiếu kỹ năng sống, thiếu sự học hỏi ở trong đời sống xã hội về cung cách ứng xử. Họ có kiến thức mỏng, thiếu thái độ sống tích cực trong xã hội, không tôn trọng các giá trị truyền thống.

Ở góc độ pháp luật, từ ngày 1/6/2021, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ thay thế Nghị định 73/2010/NĐ-CP. Nếu như trước đây, với Nghị định 73/2010/NĐ-CP, hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng thì với Nghị định 38 mức phạt sẽ tăng cao hơn là từ 200 - 500 nghìn đồng.

Bên cạnh vấn đề xử phạt, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài đưa ra hình phạt nghiêm khắc, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người là biện pháp lâu dài, tránh tình trạng vi phạm văn hóa như vậy tái diễn.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/quy-dinh-dep-loan-trang-phuc-o-le-hoi-581596.html