Quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục thực hiện lệnh khám xét

Bạn đọc hỏi: Một hôm tôi đi công tác về nhà bất ngờ thấy có người mặc sắc phục xưng là Công an đang điều tra vụ án và cần phải khám xét nhà tôi. Thưa luật sư, Công an có được khám xét nhà nếu chủ nhà vắng mặt không? Nếu họ vi phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trần Hoàng Cương (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc khám xét chỗ ở cần phải được thực hiện đúng quy định, có căn cứ, đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục (Ảnh minh họa)

Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc khám xét chỗ ở cần phải được thực hiện đúng quy định, có căn cứ, đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc khám xét chỗ ở cần phải được thực hiện đúng quy định: có căn cứ, đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục.

Cụ thể:

- Việc khám xét chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. (Điều 192, Bộ luật tố tụng hình sự).

- Về thẩm quyền: Điều 193, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử. Trường hợp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp ra lệnh khám xét thì phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành lệnh khám xét.

Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp thì Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng… cũng có quyền ra lệnh khám xét. Nhưng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

- Về trình tự thủ tục thực hiện việc khám xét, theo các quy định trên bắt buộc phải có lệnh khám xét thì mới được tiến hành khám xét và sự có mặt của Kiểm sát viên, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.

Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng; Địa chỉ: Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Ngoài ra, theo Điều 195, Bộ luật tố tụng hình sự, khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Như vậy, nếu bạn vắng mặt nhưng việc khám xét không thể trì hoãn thì công an vẫn có quyền tiến hành khám xét chỗ ở nhưng phải có đại diện chính quyền xã nơi khám xét và 2 người chứng kiến.

Trường hợp công an thực hiện không đúng các quy định về khám xét chỗ ở theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 158, Bộ luật Hình sự với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 2 năm đến phạt tù 5 năm, tùy theo tính chất và mức độ hành vi. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-quy-trinh-thu-tuc-thuc-hien-lenh-kham-xet/861767.antd