Quy định chặt chẽ việc quảng cáo đối với bia, rượu

Sáng 16-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại phiên họp, sự cần thiết ban hành dự án luật, quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, việc quảng cáo bia rượu...là những nội dung được nhiều đại biểu đóng góp, cho ý kiến.

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết trong tình hình hiện nay để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 Toàn cảnh phiên họp sáng 16-11. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp sáng 16-11. Ảnh: Quốc hội.

Góp ý vào vấn đề cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực tế: Nếu các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhất định và là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu bia lại luôn đẩy xếp hạng của nước ta từ cao đến rất cao so với khu vực và thế giới. Từ năm 2014-2016, mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể nhưng mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt lại tăng gấp đôi. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi ngày tai nạn giao thông do rượu, bia tiêu gây tổn thất khoảng 250 tỷ đồng, không kể đến những hậu quả nặng nề, lâu dài cho xã hội; rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh chấn thương, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật...Thế nhưng, các quảng cáo bia, rượu làm người nghe lầm tưởng vì những lợi ích của rượu, bia...

Từ những phân tích trên, đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự luật với những quy định chặt chẽ hạn chế tối đa việc quảng cáo đối với bia, rượu, để trả rượu, bia về đúng “bản chất” nguy hại của rượu, bia. “Việc quảng cáo bia, rượu phải được cấm trên các phương tiện báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội, không chỉ trong các chương trình văn hóa, thể thao, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi như trong dự thảo luật”, đại biểu kiến nghị.

Nhấn mạnh đến tính sẵn có của rượu bia ở mọi lúc, mọi nơi, đại biểu cho rằng điều 20 dự luật đã quy định về địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu, bia để hạn chế tình trạng này. “Tuy nhiên, quy định như vậy có nghĩa là phải chăng ngoài các địa điểm trên thì các địa điểm khác đương nhiên được bán rượu, bia?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn và cho rằng, thực tế, rượu, bia ít được bán tại các địa điểm như dự thảo quy định và liệu chế định này có phát huy được tác dụng hay không là điều cần phải tính đến.

Đại biểu nhấn mạnh: Năm 2017, GDP cán mốc 6,7%, điều đó cho thấy để nhích lên từng chút một trong tăng trưởng, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân phải nỗ lực như thế nào, thì ở chiều ngược lại, mỗi năm, bia rượu đã gây tổn thất ít nhất 1,3%GDP. "Thu về khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm từ rượu bia, trong khi đó, tổn thất do rượu, bia gây ra lên đến 65.000 tỷ đồng, như vậy có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước?", đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị dự luật cần được xây dựng một cách chặt chẽ bởi những tổn thất của rượu, bia lớn hơn nhiều so với lợi ích mang lại; đã đến lúc phải hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại này, vì tăng trưởng của đất nước và tầm vóc, sức khỏe của người dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) thì cho rằng, để rượu tồn tại trong đời sống xã hội tốt hơn, văn minh hơn, cần có cách nhìn khách quan, đúng mực; luật cần bao phủ tất cả các công đoạn từ sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bảo đảm văn hóa, văn minh, tiến bộ...Về tăng cường biện pháp quản lý đối với mua bán rượu thủ công, đại biểu TP Hà Nội đề nghị bổ sung thêm nội dung để khuyến khích sản xuất những loại rượu truyền thống ngon, có thương hiệu ở Việt Nam một cách đúng và an toàn hơn.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lại cho rằng, cần bảo đảm tính khả thi và cần có lộ trình. Theo đại biểu, việc thay đổi nhận thức về uống rượu bia là điều quan trọng nhất và điều này cũng cần có quá trình. Để hạn chế sử dụng rượu bia, đại biểu đồng ý với việc tăng thuế đối với sản phẩm này, tuy nhiên, theo đại biểu, cần đồng bộ với việc kiểm soát nghiêm ngặt đối với sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu, nếu không sẽ vừa gây thất thu thuế, thiệt hại cho doanh nghiệp, lại vẫn không giảm tiêu thụ được rượu, bia... “Rút kinh nghiệm từ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, phải xử phạt thật nặng, tiêu hủy rượu giả, rượu lậu chứ không tái xuất như thuốc lá lậu...”, đại biểu đề xuất.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quy-dinh-chat-che-viec-quang-cao-doi-voi-bia-ruou-554629