Quy định chặt chẽ năng lực, ý thức, trách nhiệm thành viên Đoàn thanh tra

Chiều ngày 14/8, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn Thanh tra.

Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại diện đều tập trung cho ý kiến về việc sửa đổi phạm vi điều chỉnh; việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để ban hành quyết định thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; việc kéo dài thời hạn thanh tra; giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Thông tư gồm tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra....

Về việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để ban hành quyết định thanh tra, đại diện Tổ biên tập cho rằng, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả cuộc thanh tra. Tuy nhiên, về hình thức thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình được thực hiện như hiện nay là thiếu sự thống nhất, có đơn vị cử cán bộ xuống thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình bằng giấy giới thiệu, có đơn vị thông báo bằng hình thức công văn, có đơn vị ban hành quyết định về thành lập tổ công tác để thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình.

Báo cáo kết quả nắm tình hình chưa gắn kết được với việc xác định nội dung thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho người ra quyết định thanh tra, kéo dài thời gian tiến hành thanh tra.

Thông tư phải đưa ra được các yêu cầu cụ thể, chặt chẽ hơn về các yêu cầu đối với báo cáo kết quả nắm tình hình, qua đó giúp người ra quyết định thanh tra có đầy đủ thông tin, dữ liệu để ban hành quyết định thanh tra.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời hạn tiến hành thanh tra thời gian qua còn thực hiện thiếu thống nhất, do chưa có hướng dẫn cụ thể, làm chậm tiến độ tiến hành các cuộc thanh tra. Vì vậy, Dự thảo Thông tư nên quy định cụ thể về các trường hợp gia hạn thời gian tiến hành thanh tra và trình tự, thủ tục thực hiện việc gia hạn thời gian tiến hành thanh tra đảm bảo chặt chẽ, tránh tùy tiện.

Đối với việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, các ý kiến cho rằng, Dự thảo Thông tư tiếp tục thể hiện quan điểm việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra thuộc thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra.

Dự thảo Thông tư sẽ bổ sung các quy định cụ thể về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng: Căn cứ vào báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận, người ra quyết định thanh tra, quyết định việc yêu cầu thẩm định đối với dự thảo kết luận thanh tra.

Việc yêu cầu thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được gắn với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra đảm bảo tính thống nhất trong quá trình chỉ đạo hoạt động thanh tra, phù hợp với các đặc thù của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để xây dựng Dự thảo Thông tư. Mục tiêu cốt lõi của đặt ra của Thông tư chính là việc ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động thanh tra và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động thanh tra.

Tuy nhiên, nội dung Thông tư không thể áp dụng chung cho các cơ quan thanh tra. Theo đó, phải xây dựng Thông tư theo hướng tách nội dung để quy định cho phù hợp với thực tiễn của hoạt động thanh tra ở từng cấp.

Đối với việc thu thập thông tin, tài liệu cần làm rõ hiệu quả, hiệu lực của hoạt động khảo sát trước thanh tra; nâng cao tính ràng buộc trong phân công, giao nhiệm vụ của người ra quyết định thanh tra (người khảo sát có phải người đi thanh tra không).

Sửa đổi, bổ sung kế hoạch thanh tra phải đề xuất từ thực tiễn bằng văn bản; việc kéo dài thời gian thanh tra chỉ khi giao bổ sung nhiệm vụ cho Đoàn mới kéo dài thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị được thanh; năng lực, ý thức, trách nhiệm thành viên Đoàn thanh tra cần quy định chặt chẽ, cụ thể.

Việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra cần quy định cụ thể, thiết thực, trong đó quy định rõ những cơ quan nào thực hiện việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, nên quy định theo hướng cả Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, vụ trưởng, cục trưởng đơn vị thanh tra và Vụ Tổ chức Cán bộ tham gia giám sát hoạt động Đoàn thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra cũng lưu ý, vấn đề thẩm định kết luận thanh tra là một nội dung quan trọng, do vậy, việc tách thành Thông tư quy định riêng hay gộp với Thông tư quy hoạt động Đoàn thanh tra cần phải thể hiện rõ ý kiến đối với vấn đề này.

Bên cạnh đó, cần chú ý xử lý khâu xung đột giữa kết luận thanh tra và báo cáo thẩm định kết luận thanh tra.

Riêng Thanh tra Chính phủ cần quy định thật chặt kết quả báo cáo thẩm định kết luận thanh tra.

Đồng thời, Thông tư cần quy định vấn đề trưng cầu giám định dự thảo kết luận thanh tra nếu cần thiết.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/quy-dinh-chat-che-nang-luc-y-thuc-trach-nhiem-thanh-vien-doan-thanh-tra_t114c1059n137410