Quy định chặt chẽ hơn về cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 5/6, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Chẩu Văn Lâm phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Chẩu Văn Lâm phát biểu tại phiên họp.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn Tây Ninh) bày tỏ băn khoăn về quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam.

Dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 19 của Luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ quy định tại khoản 1 Điều này”.

Theo đại biểu, mức giới hạn như trên là chưa ổn, chưa nêu rõ chế tài xử lý, cần quy định để đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cũng băn khoăn về quy định đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam "là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam" được nêu tại điểm c, khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật. Theo đại biểu, quy định này cần rà soát để đảm bảo chặt chẽ.

Có cùng băn khoăn, đại biểu Chẩu Văn Lâm (đoàn Tuyên Quang) chỉ ra rằng, ở nhiều nước, đối tượng người nước ngoài được mua nhà ở phải có “thẻ xanh”. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn trong dự thảo Luật đối tượng được mua và đối tượng được thuê nhà để tránh lợi dụng, đảm bảo kiểm soát được về sau.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị xem xét quy định chặt chẽ hơn về quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. “Những người vào tạm thời chỉ nên dừng ở việc cho thuê tạm thời”, đại biểu kiến nghị.

Có quan điểm khác, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, việc dự thảo Luật quy định cố định tỷ lệ 30% được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế; sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, 250 căn nhà ở riêng lẻ và áp dụng chung cho các địa bàn trên toàn quốc là chưa phù hợp.

Theo đại biểu, đối với một số địa bàn mà việc người nước ngoài sở hữu nhà có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, quốc phòng thì việc giới hạn tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở như dự thảo Luật là hợp lý.

Tuy nhiên, tại khoản 3 của Điều này đã giao Chính phủ quy định về tiêu chí xác định khu vực mà dự án được phép bán nhà ở cho người nước ngoài.

"Đối với một số địa bàn có người nước ngoài sở hữu nhà ít tác động, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng thì có thể xem xét tăng tỷ lệ sở hữu trên để tiếp tục khuyến khích mua và sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định tỷ lệ trên cơ sở tính chất, đặc thù của từng khu vực, địa bàn để đảm bảo phù hợp với mỗi địa phương”, đại biểu nói.

Tường Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quy-dinh-chat-che-hon-ve-ca-nhan-nuoc-ngoai-duoc-so-huu-nha-o-tai-viet-nam-post477503.html