Quy định cần biết về xe bán tải khi tham gia giao thông

Xe bán tải (xe pick-up) chở hàng hóa thế nào để không bị phạt? Xe bán tải chở hàng được bao nhiêu kg? Đây đều là các câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.

Lợi thế hàng đầu của xe bán tải so với các dòng xe khác là khả năng chở đồ chuyên dụng. Với kết cấu thùng xe phía sau có kích thước lớn, xe bán tải có thể chở được nhiều hàng hóa phục vụ cho các hộ kinh doanh hay cả những doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, đây cũng là loại phương tiện chở đồ hữu ích cho các chuyến đi cắm trại, dã ngoại của các gia đình nhỏ.

Để đáp ứng nhu cầu này, các hãng xe hơi đã xây dựng những chiếc xe bán tải gầm cao và trang bị động cơ diesel mạnh mẽ cùng hệ truyền động tốt nhằm giúp xe có khả năng di chuyển qua nhiều loại địa hình khó khăn. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, xe bán tải cũng chấp hành theo những quy định nhất định dành riêng cho mình.

Lợi thế hàng đầu của xe bán tải so với các dòng xe khác là khả năng chở đồ chuyên dụng

Lợi thế hàng đầu của xe bán tải so với các dòng xe khác là khả năng chở đồ chuyên dụng

Dưới đây là những quy định cho xe bán tải khi tham gia giao thông:

1. Quy định về lưu thông

Theo Quy chuẩn báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 do Bộ GTVT ban hành, xe bán tải (xe pick-up) có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg được xem là xe con trong tổ chức giao thông.

Như vậy, các loại xe bán tải có khối lượng chuyên chở cho phép từ 950 kg trở lên sẽ bị coi là xe tải và không được lưu thông trên những tuyến đường nội đô có biển cấm xe tải. Đồng thời những xe bán tải thuộc nhóm này cũng sẽ phải tuân thủ quy định về khung giờ cấm hoạt động và bắt buộc phải đi vào làn đường cho xe tải khi di chuyển trên những tuyến đường có phân rõ làn đường.

Các loại xe bán tải có khối lượng chuyên chở cho phép từ 950 kg trở lên sẽ bị coi là xe tải và không được lưu thông trên những tuyến đường nội đô có biển cấm xe tải

2. Quy định về chở hàng

Điều 18, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về hàng hóa đối với xe tải thùng hở như sau:

- Hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

- Chiều cao xếp hàng hóa cho phép được tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên và không vượt quá quy định sau:

Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): không quá 4,2 mét;
Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): không quá 3,5 mét;
Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): không quá 2,8 mét.

Chiều cao xếp hàng hóa cho phép được tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên và không vượt quá quy định

3. Quy định chiều dài xếp hàng hóa cho phép

Điều 19 ,Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định chiều dài xếp hàng trên xe bán tải như sau:

Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét.
Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Bởi Thu Hà, Thứ bảy lúc 09:00

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/quy-dinh-can-biet-ve-xe-ban-tai-khi-tham-gia-giao-thong-7197.htm