Quy định 'cấm vận chuyển lợn' đang làm khó nhiều doanh nghiệp chăn nuôi

Đại diện Tập đoàn CP Việt Nam cho hay, việc cấm vận chuyển lợn đã khiến các trang trại lớn, các nhà máy giết mổ tập trung gặp rất nhiều khó khăn, bởi với những trang trại lớn lên tới cả vài nghìn con, địa bàn đó sẽ không thể tiêu thụ hết số lợn này.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thời điểm 1/4/2019, tổng đàn lợn cả nước là 27,8 triệu con, trong đó đàn nái là 3,7 triệu con với 150.000 con giống cụ kỵ, ông bà được nuôi tập trung chủ yếu trong các trại của DN. Như vậy, đàn lợn được nuôi chủ yếu trong khu vực tư nhân, bao gồm các nông hộ và trang trại chiếm 99,44%.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trước tình hình phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CP Việt Nam cho hay: Một trong những khó khăn mà nhiều DN chăn nuôi đang gặp phải là việc cấm vận chuyển lợn đã khiến các trang trại lớn, các nhà máy giết mổ tập trung gặp rất nhiều khó khăn, bởi với những trang trại lớn lên tới cả vài nghìn con, địa bàn đó sẽ không thể tiêu thụ hết số lợn này.

Đại diện công ty TNHH Japfa Comfeed cũng lo lắng không biết trang trại lợn của DN mình có thể cầm cự đến bao giờ. "Đến nay, số lợn của DN vẫn an toàn nhưng không biết ngày mai sẽ thế nào. Trong khi đó, xung quanh người dân vẫn nuôi, vẫn tái đàn, DN không thể nào kiểm soát", đại diện công ty chia sẻ.

Ông Lê Quang Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP thức ăn chăn nuôi Thái Dương, cho biết hiện nay, trại lợn của DN chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, cũng như các trang trại khác, ba năm qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn, từ một DN chăn nuôi có quy mô đàn 8.500 nái, tổng đàn 85.000 con lợn các loại, đến nay chỉ còn khoảng 1.600 lợn nái, khoảng 20.000 con lợn các loại.

Vừa qua, quy định không cho xuất lợn, trong khi Nghệ An chỉ hai huyện có nhà máy giết mổ là Nghi Lộc và Diễn Châu nhưng vì các nhà máy nhỏ nên đã đóng cửa, dẫn tới lợn sản xuất ra không bán được.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi lớn, ông Thành lo lắng không biết bao giờ mới có thể sản xuất ra vắc xin trị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Một sản phẩm khoa học từ nghiên cứu đến khi đưa ra dùng đại trà phải mất rất nhiều thời gian.

Theo quy định của Luật Thú y và hiện các địa phương, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đang phải nghiêm túc tuân thủ, khi xảy ra dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi), tại vùng dịch và vùng chịu uy hiếp bởi dịch với bán kính 3km, việc buôn bán, vận chuyển lợn ra ngoài sẽ bị cấm. Cụ thể, việc giết, mổ, tiêu thụ thịt lợn chỉ được diễn ra tại khu vực đó.

M.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/quy-dinh-cam-van-chuyen-lon-dang-lam-kho-nhieu-doanh-nghiep-chan-nuoi-539981.html