Quy định BĐBP chủ trì để huy động các lực lượng tham gia duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu một cách hiệu quả

Đó là khẳng định của Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) của Quốc hội với phóng viên Báo Biên phòng về quá trình chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Trên cơ sở tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, dự thảo Luật BPVN đã bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng. Ảnh: Viết Hà

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng. Ảnh: Viết Hà

- Thưa đồng chí, tại Kỳ họp thứ 9 và Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu còn có ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự thảo Luật BPVN. Đến nay, Ủy ban QP&AN của Quốc hội đã phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung như thế nào nhằm hoàn thiện dự thảo Luật BPVN?

- Sau Kỳ họp thứ 9, Ủy ban QP&AN của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo Luật BPVN và các cơ quan chức năng tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định về chính sách của Nhà nước về Biên phòng; nhiệm vụ Biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng; nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ Biên phòng...

Sau khi được bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật BPVN có 6 chương, 36 điều, điều chỉnh khái niệm “Biên phòng” và bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước về Biên phòng; nhiệm vụ Biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng; nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ Biên phòng... Đến nay, dự thảo Luật BPVN đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

- Đối với tên gọi Luật BPVN trước đây vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Vậy, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, đến nay, tên gọi của dự thảo luật này có gì thay đổi không, thưa đồng chí?

- Sau khi xin ý kiến tại các cuộc hội thảo, cũng như các Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri đóng góp ý kiến dự thảo Luật BPVN, đa số ý kiến đều thống nhất với tên gọi “Luật BPVN” và cho rằng, tên gọi này đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về Chiến lược bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Dự thảo Luật BPVN điều chỉnh những vấn đề, lĩnh vực, phạm vi liên quan trực tiếp đến các quan hệ quốc tế, cần thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động Biên phòng liên quan trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, nên việc thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể và cao hơn nữa là quốc thể Việt Nam ngay trong tên gọi của luật là cần thiết. Vì vậy, Ủy ban QP&AN của Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật BPVN.

- Về ý kiến cho rằng, dự thảo Luật BPVN có một số quy định chồng chéo với một số văn bản pháp luật hiện hành. Sau khi điều chỉnh, bổ sung, dự thảo luật đã đáp ứng được sự thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành hay chưa, thưa đồng chí?

- Từ những ý kiến của đại biểu, các cơ quan chức năng của Ủy ban QP&AN của Quốc hội và Ban soạn thảo đã hết sức cầu thị, đầu tư thời gian, nhân lực nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật BPVN nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ban soạn thảo đã bổ sung, chỉnh lý theo hướng: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ BGQG; quản lý, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ BGQG; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu và khu vực biên giới (KVBG); bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở biên giới, cửa khẩu và KVBG; xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân... Xây dựng khu vực phòng thủ ở KVBG gắn với phòng thủ quân khu và phòng thủ tỉnh, huyện, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở KVBG; hợp tác quốc tế về Biên phòng, đối ngoại Biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang. Ngoài ra, dự thảo Luật BPVN quy định lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng, xác định rõ nhiệm vụ và có cơ sở quy định chế độ, chính sách phù hợp đối với từng lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng.

- Thưa đồng chí, quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự ở KVBG, cửa khẩu như dự thảo Luật BPVN còn có ý kiến băn khoăn, quan điểm của đồng chí về quy định này như thế nào?

- Qua các cuộc hội thảo, cũng như xin ý kiến các chuyên gia, đa số ý kiến đều có chung quan điểm, trải qua quá trình chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Duy trì an ninh trật tự ở KVBG có nhiều lực lượng tham gia và liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Vậy nên, cần có một lực lượng chủ trì để huy động các lực lượng tham gia duy trì an ninh trật tự ở KVBG, cửa khẩu một cách hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề này đã được quy định rõ ở các văn bản luật và văn bản dưới luật. Đặc biệt, điều này đã được quy định trong Luật BGQG; Luật An ninh quốc gia; đồng thời, Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng (cụ thể là BĐBP) có nhiệm vụ, quyền hạn: Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Do đó, quy định như dự thảo Luật BPVN là phù hợp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG trong tình hình mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Bà, BĐBP thành phố Hải Phòng tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển. Ảnh: Viết Hà

- Luật BPVN được Quốc hội thông qua và ban hành có ý nghĩa như thế nào trong bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, thưa đồng chí?

- Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đã xác định rõ nhiệm vụ Biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”.

Với vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của BGQG, Luật BPVN ra đời sẽ cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở KVBG, cửa khẩu. Bên cạnh đó, phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương và xã hội vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG, KVBG vững mạnh.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-bdbp-chu-tri-de-huy-dong-cac-luc-luong-tham-gia-duy-tri-an-ninh-trat-tu-o-khu-vuc-bien-gioi-cua-khau-mot-cach-hieu-qua-post434297.html