Quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

Hỏi: Em là nhân viên bán hàng trong siêu thị điện máy. Hai tháng trước, em và công ty đã ký hợp đồng lao động, thời hạn là 01 năm. Lúc ký hợp đồng em chưa biết mình đang mang thai. Sau khi công ty biết thông tin em mang thai 3 tháng, công ty đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với em vì cho rằng em không trung thực khi lúc hợp đồng không thông báo cho công ty biết mình đang mang thai. Vậy Công ty làm như vậy có đúng không ạ? (Nguyễn Thị Thu Thủy - Sóc Sơn, Hà Nội)

Trả lời: Quan hệ lao động là một trong những quan hệ nền tảng trong xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của một quốc gia. Do vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 ra đời nhằm thiết lập một khung pháp lý hoàn thiện để điều chỉnh quan hệ lao động, trong đó trọng tâm là các quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động.

Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2012 còn là công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi cho những chủ thể yếu thế tham gia vào quan hệ lao động, đặc biệt là lao động nữ. Nổi bật là quy định về sa thải lao động nữ trong thời kỳ mang thai. Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 quy định Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ: “3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Như vậy người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do mang thai, nghỉ thai sản. Do vậy, việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với bạn vì lý do bạn đang mang thai là hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm này.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có quyền yêu cầu công ty chấm dứt hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bạn, nhận bạn trở lại làm việc. Nếu công ty giải quyết không thỏa đáng thì bạn có quyền gửi đơn đề nghị Phòng lao động thương binh và xã hội cấp quận, huyện - nơi có trụ sở của công ty để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật.

Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quy-dinh-bao-ve-thai-san-doi-voi-lao-dong-nu-78879.html