Quỹ đến từ Đài Loan muốn mua 21 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF

Với thị giá FUEVFVND ở mức 13.000 đồng/ccq, số tiền CTBC Vietnam Equity Fund sẽ chi ra cho thương vụ lần này vào khoảng 270 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

CTBC Vietnam Equity Fund đăng ký mua 21 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF

CTBC Vietnam Equity Fund mới đây đã thông báo đăng ký mua 21 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF (Mã FUEVFVND), thời gian thực hiện từ 7/9 đến 6/10/2020.

Ông Dominic Scriven, chủ tịch VFM cũng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Quản lý danh mục của CTBC Vietnam Equity Fund. Ông Dominic Scriven hiện đang nắm giữ 1,84 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF.

Đóng cửa phiên giao dịch 1/9, thị giá FUEVFVND đạt 12.850 đồng/ccq, tính theo mức giá này, CTBC Vietnam Equity Fund sẽ chi ra khoảng 270 tỷ đồng để mua 21 triệu chứng chỉ quỹ.

Được biết, CTBC Vietnam Equity Fund là quỹ thuộc CTBC Investments đến từ Đài Loan (Trung Quốc), quy mô quỹ được cam kết ban đầu là 160 triệu USD.

Theo công bố, quỹ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng niêm yết trên TTCK Việt Nam. Danh mục đầu tư của quỹ cũng bao gồm chứng chỉ Vietnam Diamond ETF (VFMVN Diamond ETF). Dragon Capital là đơn vị tư vấn cho CTBC Vietnam Equity Fund trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.

Arisaig Asia Consumer Fund thoái toàn bộ vốn khỏi Vinamilk sau 11 năm nắm giữ

Arisaig Asia Consumer Fund đã có một thời gian dài đồng hành với Vinamilk và khoản đầu tư vào "vua sữa" Việt Nam đã mang lại không ít lợi nhuận cho quỹ. Số liệu cuối năm 2019 cho biết Arisaig Asia Consumer Fund nắm giữ 28,8 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ 1,65% cổ phần VNM và là cổ đông lớn thứ 5 tại doanh nghiệp này sau SCIC, F&N, Platinum Victory và nhóm quỹ Matthews.

Nếu tính theo thị giá cuối năm 2019 vào khoảng 116.500 đồng/cổ phiếu thì quy mô khoản đầu tư của Arisaig Asia Consumer Fund vào Vinamilk lên tới hơn 3.300 tỷ đồng và là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy vậy, trong báo cáo được công bố gần đây, Arisaig Asia Consumer Fund cho biết quỹ đã thoái toàn bộ khoản đầu tư vào Vinamilk trong quý 2 vừa qua. Theo Arisaig Asia Consumer Fund, trong nhiều thập kỷ vừa qua, Vinamilk đã dẫn dắt làn sóng thâm nhập sữa vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Vinamilk đã chững lại (xuống mức trung bình).

Arisaig Asia Consumer Fund cho biết Vinamilk là khoản đầu tư dài hạn và họ đã mua trong phiên đấu giá năm 2002 trước khi bán ra vào năm 2007. Sau khi mua lại, Vinamilk đã mang lại khoản lợi nhuận bình quân 20% mỗi năm (tính theo USD) trong 11 năm cho quỹ. Tuy nhiên, lúc này Arisaig Asia Consumer Fund nhận thấy nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn nên đã quyết định bán Vinamilk.

Petroland (PTL) liên tiếp kịch trần, PV Oil đã thoái sạch vốn và thu về hơn 74 tỷ đồng

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – mã OIL) mới đây đã thông báo bán hết 9 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn tại Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland – mã PTL). Giao dịch thực hiện vào ngày 27/8, theo đó PV Oil không còn là cổ đông của Petroland.

Trước thềm thoái vốn của PV Oil, cổ phiếu PTL kịch trần 7 phiên, đưa thị giá tăng 70% từ mức 4.870 đồng/cp lên 8.280 đồng/cp, tức tăng 70%. Ghi nhận phiên giao dịch 27/8, cổ phiếu PTL tăng trần lên 8.280 đồng/cp và xuất hiện lô thỏa thuận khối lượng 9 triệu cổ phiếu, trị giá 74,2 tỷ đồng.

Hiện, cơ cấu tại Petroland gồm Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 36,43% cổ phần. Các cổ đông lớn tiếp theo là bà Trần Thị Ngọc Cư (19,86%), ông Đoàn Văn Đức (17,67%).

Petroland những năm gần đây liên tục xảy ra xung đột lợi ích cổ đông lớn giữa PVX và một nhóm cổ đông cá nhân. Năm 2019, HĐQT Công đã có đợt thay máu lớn, nhóm cổ đông lớn do ông Đinh Việt Thanh đại diện đã rút toàn bộ vốn.

Đến ĐHĐCĐ thường niên 2020, xung đột vẫn chưa có hồi kết. Khi mà, các nội dung không được thông qua gồm báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ 2019 và kế hoạch năm 2020, phương án bổ sung ngành nghề, đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT…. với tỷ lệ tán thành 47%, không tán thành 42,6% và không ý kiến 10,35%.

PAN Group thông qua phương án chào mua công khai 4,8 triệu cổ phần VFG

CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group – mã PAN) vừa phê duyệt phương án chào mua công khai cổ phiếu VFG của CTCP Khử trùng Việt Nam.

Theo đó PAN Group dự kiến chào mua 4.813.780 cổ phần, tương ứng 15% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Khử trùng Việt Nam. Mục đích chào mua nhằm nâng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài.

Hiện tại PAN Group đang là cổ đông lớn sở hữu gần 13,24 triệu cổ phiếu VFG tương ứng 41,26% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Nếu chào mua thành công, PAN Group nâng tổng lượng sở hữu cổ phiếu VFG lên hơn 18 triệu đơn vị tương ứng tỷ lệ 56,25%.

Giá chào mua công khai không thấp hơn bình quân giá tham chiếu cổ phiếu VFG do Sở GDCK Tp Hồ Chí Minh công bố trong thời hạn 60 ngày liền trước ngày gửi bản đăng ký chào mua.

Hiện trên thị trường, cổ phiếu VFG đang tăng mạnh, lên mức giá 46.000 đồng/cổ phiếu – vùng giá cao nhất của cổ phiếu VFG từ trước đến nay (giá đã điều chỉnh). Tạm tính theo giá này, PAN Group sẽ chi khoảng 221 tỷ đồng để mua số cổ phiếu mong muốn. Nguồn vốn thực hiện đợt chào mua lấy từ vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác của công ty.

PAN Group bắt đầu mua cổ phiếu VFG từ tháng 11/2018 – lúc đó PAN Group mua hơn 6,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 20% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Khử trùng Việt Nam.

Lần gần đây nhất, ngày 8/1/2019 PAN Group thông báo đã chào mua được gần 7 triệu cổ phần Khử trùng Việt Nam trong tổng số gần 9,8 triệu cổ phần đăng ký trước đó. Sau giao dịch tổng lượng sở hữu của PAN Group tại Khử trùng Việt Nam gàn gần 13,24 triệu cổ phiếu như hiện nay, tương ứng tỷ lệ 41,88%.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/doanh-nghiep/bizdeal-quy-den-tu-dai-loan-muon-mua-21-trieu-chung-chi-quy-vfmvn-diamond-etf-3551219.html