Quỹ đầu tư lỗ sâu, rục rịch tái cơ cấu

Nhiều quỹ đầu tư (quỹ đóng) ghi nhận lỗ lớn trong năm 2022, nhưng đang thực hiện cơ cấu lại danh mục, kỳ vọng vào cơ hội trong dài hạn.

Thị trường chứng khoán giảm sâu đang tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn hơn.

Thị trường chứng khoán giảm sâu đang tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn hơn.

VEIL lỗ lớn, nhưng bắt đầu giải ngân mạnh

Mặc dù có lãi trong tháng 11/2022, nhưng mức lỗ ròng tính từ đầu năm 2022 của VEIL, quỹ lớn nhất thuộc nhóm Dragon Capital tại thị trường Việt Nam vẫn lớn hơn mức giảm của chỉ số VN-Index. Cụ thể, lãi 2% trong tháng 11, nhưng lũy kế 11 tháng, hiệu suất đầu tư của VEIL âm 37,35%, cao hơn mức giảm 35,3% của VN-Index.

VEIL có động thái bán ròng kể từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, nâng tỷ trọng tiền mặt từ 14,2 triệu USD lên gần 200 triệu USD.

Sau khi nâng tỷ trọng tiền mặt lên mức kỷ lục 13,81% trong tuần thứ 2 của tháng 11, tương đương hơn 198 triệu USD, thì tính tới ngày 1/12/2022, tỷ trọng tiền mặt của VEIL giảm xuống chỉ còn 5,62%. Điều này cho thấy, Quỹ tích cực giải ngân trong bối cảnh thị trường ở giai đoạn hồi phục đầu tiên sau khi chạm đáy vào giữa tháng 11.

Ước tính, từ ngày 10/11 - 1/12/2022, VEIL đã giải ngân hơn 123 triệu USD (gần 2.900 tỷ đồng), là một trong những quỹ đầu tư mua ròng tích cực nhất trên thị trường, cùng với các quỹ ngoại lớn khác như Fubon FTSE Vietnam ETF.

Một số giao dịch đáng chú ý là VEIL mua ròng 9,75 triệu cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, nâng khối lượng nắm giữ lên 10,75 triệu đơn vị; mua 50.000 cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, tổng khối lượng mua của nhóm quỹ thuộc Dragon Capital là 980.000 đơn vị, nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,17%.

Ngược lại, kể từ đầu năm 2022, VEIL liên tục bán ròng cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Tính đến ngày 3/11, mã HPG không còn nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, mã HPG đã quay trở lại Top 10 trong danh mục và chiếm tỷ trọng 4,01% trong tổng giá trị tài sản ròng (NAV) gần 1,4 tỷ USD.

Tính tới ngày 1/12/2022, nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VEIL, với 33,98%, tiếp theo là bất động sản (20,83%), thực phẩm - đồ uống (9,14%).

PYN Elite bắt đáy cổ phiếu ngân hàng

Báo cáo mới nhất của PYN Elite nhận định, 2022 là một năm khó khăn hơn dự đoán của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính tới ngày 15/12, VN-Index giảm 29,8% và hiệu suất đầu tư của PYN Elite âm 24,7%. Diễn biến giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam không cùng nhịp với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, nên sẽ có cơ hội bật tăng trở lại.

“Sự tự tin trên thị trường được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ chuyển động cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và mức tăng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp niêm yết. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ nhất”, PYN Elite chia sẻ.

Thực tế, khối nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ để mua vào cổ phiếu Việt Nam khi giá giảm sâu. Tính riêng tháng 11/2022, khối này mua ròng 685 triệu USD, một con số cao kỷ lục. PYN Elite cũng không nằm ngoài xu hướng này khi đánh giá,

VN-Index đã chạm đáy vào tháng 11/2022 ở mức dưới 900 điểm. Thị trường có cơ hội tăng trưởng khả quan trong năm 2023, nên Quỹ đã bắt đáy cổ phiếu, tập trung vào nhóm ngân hàng.

“Nhờ dòng tiền đầu tư mới và đồng Euro tăng giá, chúng tôi có cơ hội để mua cổ phiếu ở vùng đáy bằng lượng tiền mặt dự trữ. Chúng tôi đã xây dựng vị thế mới với nhóm ngân hàng, hiện chiếm 9% tỷ trọng danh mục đầu tư của Quỹ”, PYN Elite cho biết. Tính đến cuối tháng 11/2022, NAV của PYN Elite là 671,4 triệu Euro.

AFC Vietnam Fund “né” bất động sản, tập trung vào bảo hiểm

Dù lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, AFC Vietnam Fund cho rằng, có một số lĩnh vực sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2023 như bất động sản và các ngành nghề liên quan, bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ làm giảm nhu cầu với bất động sản trong ngắn hạn, ngay cả khi triển vọng kinh tế tươi sáng. Đây là lý do AFC Vietnam Fund không còn nắm giữ cổ phiếu địa ốc.

Lĩnh vực mà AFC Vietnam Fund đang nắm giữ tỷ trọng lớn trong danh mục là bảo hiểm, với nhận định nhóm bảo hiểm có nhiều tiền mặt, được hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng. Cụ thể, môi trường lãi suất cao hơn sẽ tác động tích cực tới lợi nhuận của nhóm công ty bảo hiểm, bởi lãi tiền gửi có thể đóng góp tới 80% lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng là nhóm được hưởng lợi trong thời gian tới, khi lượng khách quốc tế gia tăng và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Việc AFC Vietnam Fund tập trung nắm giữ nhóm cổ phiếu bảo hiểm trong những tháng gần đây là yếu tố giúp Quỹ có hiệu suất tích cực hơn so với nhiều quỹ khác kể từ đầu năm 2022 đến nay. NAV của AFC Vietnam Fund tăng trưởng dương trong tháng 11/2022 với mức tăng 1,3%, đạt 51,5 triệu USD; lũy kế 11 tháng, NAV giảm 23,5%, trong khi VN-Index giảm 35,3%.

Tính tới cuối tháng 11/2022, AFC Vietnam Fund có NAV 51,5 triệu USD, nắm giữ 48 mã cổ phiếu và 5,1% tỷ trọng tiền mặt. Trong đó, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất bao gồm ABI, PVI, BIC, LBM và EVE.

Đáng chú ý, cuối tháng 10, tỷ trọng tiền mặt của AFC Vietnam Fund là 2,7%. Như vậy, Quỹ đã gia tăng nắm giữ tiền mặt trong tháng 11.

Nói về cơ hội đầu tư trong thời gian tới, AFC Vietnam Fund cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP dự kiến tăng 8% năm 2022 và 6% năm 2023. Vậy nhưng, đà giảm gần đây của thị trường chứng khoán đã đưa định giá thị trường xuống mức hấp dẫn, với P/E dự phóng 2023 ở mức 8,1 lần, so với thị trường Philippines là 11,5 lần, Malaysia là 12,5 lần, Thái Lan là 14,8 lần.

“Trong góc nhìn của chúng tôi, điều này tạo ra cơ hội mua tuyệt vời đối với nhà đầu tư dài hạn”, AFC Vietnam Fund đánh giá.

Trịnh Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quy-dau-tu-lo-sau-ruc-rich-tai-co-cau-post312146.html