Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

ĐTO - UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Quy chế này được áp dụng đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Quy chế phối hợp quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành và UBND cấp huyện. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan đầu mối, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản.

Hàng năm, Sở TN&MT có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện cùng các ngành liên quan tổ chức kiểm tra liên ngành về lĩnh vực khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản. Ngoài ra, phối hợp và cử cán bộ tham gia với Công an tỉnh trong việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất, ngoài giờ hành chính, kể cả ban đêm (khi có yêu cầu) đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trách nhiệm của Công an tỉnh là thường xuyên tổ chức tuần tra, trinh sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển khoáng sản do Sở TN&MT hoặc các đơn vị liên quan chủ trì.

UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; đối với các đơn vị được cấp phép chú ý giám sát chặt chẽ vị trí, công suất, thời gian hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình sạt lở bờ sông, môi trường xung quanh nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Nếu có hiện tượng sạt lở bất thường xảy ra hoặc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, phải tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra đánh giá sơ bộ đồng thời báo cáo về UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân sống gần nơi có hoạt động khai thác khoáng sản hiểu về mục đích, hiệu quả kinh tế của việc khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Nhật Anh

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/moi-truong/quy-che-phoi-hop-quan-ly-hoat-dong-khoang-san-tren-dia-ban-tinh-93558.aspx