Quy chế cán bộ Đoàn TNCSHCM: Tạo động lực cho cán bộ Đoàn phấn đấu

Cách đây 10 năm, Quyết định 289-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCSHCM (gọi tắt là Quy chế cán bộ Đoàn) của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời đã trở thành căn cứ, cơ sở quan trọng giúp tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, chuẩn bị cho cấp ủy Đảng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp ủy Đảng phân công.

Chị Lương Thị Thanh Hằng (giữa), Bí thư Đoàn xã Giang Điền (H.Trảng Bom) tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Nga Sơn

Chị Lương Thị Thanh Hằng (giữa), Bí thư Đoàn xã Giang Điền (H.Trảng Bom) tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Nga Sơn

Đặc biệt, với những quy định về chuẩn trình độ chính trị, chuyên môn đối với từng chức danh được quy định trong Quy chế cán bộ Đoàn đã tạo điều kiện để mỗi cán bộ Đoàn phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.

* Chuẩn hóa cán bộ Đoàn

Năm 2010, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Viết Tường, hiện là Bí thư Đoàn xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi đoàn ấp 1, xã Long Thọ. Lúc này, anh mới học xong THCS, nên sau khi nhận nhiệm vụ Bí thư chi đoàn ấp, anh Tường chủ động đăng ký học bổ túc văn hóa. Sau 1 năm đảm nhận vai trò Bí thư chi đoàn ấp, anh được giao kiêm nhiệm thêm Phó trưởng ấp 1 và sau này kiêm ấp đội trưởng. Tháng 9-2016, anh thôi làm Bí thư chi đoàn ấp và được bầu làm Phó bí thư Đoàn xã Long Thọ.

Anh Tường cho hay, theo quy định của Quy chế cán bộ Đoàn, đối với cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp trở lên... Do vậy, vừa nhận nhiệm vụ Phó bí thư Đoàn xã, anh Tường được cấp ủy tạo điều kiện cho đi học sơ cấp chính trị, tiếp đến là trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Từ năm 2017, anh đã đề xuất cấp ủy xã và tổ chức Đoàn tạo điều kiện để anh tham gia học hệ đào tạo từ xa của Trường đại học Mở TP.HCM. Ngoài ra, mỗi năm anh được tham gia 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn cơ sở do Tỉnh đoàn tổ chức…

“So với 10 năm trước khi mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi của ngày hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một bí thư chi đoàn ấp với trình độ học vấn mới hết lớp 9, nay tôi đã chuẩn bị tốt nghiệp đại học và trở thành “thủ lĩnh” của thanh niên xã - điều mà tôi của 10 năm trước chưa bao giờ dám nghĩ tới” - anh Tường bộc bạch.

Cũng chính sự quan tâm, tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cấp ủy xã và tổ chức Đoàn đã tạo động lực để cán bộ Đoàn phấn đấu vươn lên, nhiều cán bộ Đoàn ở cơ sở phát triển và hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống Đoàn.

Từ một cán bộ văn thư xã kiêm Bí thư chi đoàn khu phố, nhờ học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ mà anh Lê Quang Vinh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn P.Bửu Hòa, Phó chủ tịch Hội LHTN TP.Biên Hòa và hiện là Trưởng ban Tổ chức - kiểm tra Tỉnh đoàn. Anh Vinh chia sẻ, ngày còn công tác ở P.Bửu Hòa, anh đã được tạo điều kiện về thời gian tham gia lớp đại học từ xa tại Trường đại học Mở TP.HCM, lớp cử nhân hành chính của Học viện Hành chính. Sau này khi về công tác tại Ban Tổ chức - kiểm tra Tỉnh đoàn, anh tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn; nghiệp vụ công tác tổ chức - kiểm tra và đặc biệt là học cao cấp lý luận chính trị. Nhờ được học tập, bồi dưỡng mà ở vị trí công việc nào anh cũng tiếp cận nhanh chóng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2010 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã cử gần 1,7 ngàn lượt cán bộ Đoàn đi đào tạo. Qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ Đoàn các đơn vị từng bước được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

* Giải quyết tốt “đầu ra” cho cán bộ Đoàn

Theo quy định của Quy chế cán bộ Đoàn, đối với Bí thư Tỉnh đoàn, Quy chế cán bộ Đoàn quy định giữ chức vụ lần đầu không quá 35 tuổi và giữ chức vụ không quá 40 tuổi; đối với Phó bí thư Tỉnh đoàn giữ chức vụ lần đầu không quá 33 tuổi và giữ chức vụ không quá 38 tuổi. Đối với cán bộ Đoàn cấp huyện, Quy chế cán bộ Đoàn quy định tham gia Ban chấp hành lần đầu không quá 30 tuổi và giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Đối với cấp xã, phường, thị trấn thì giữ chức vụ không quá 35 tuổi (khu vực đặc thù không quá 37 tuổi). Ngoài ra, Quy chế cán bộ Đoàn cũng quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn trong trường học; cán bộ Đoàn trong cơ quan, doanh nghiệp; cán bộ Đoàn trong quân đội, công an.

Việc quy định độ tuổi giữ chức vụ là cơ sở để các cấp bộ Đoàn tham mưu cấp ủy trong công tác luân chuyển, bố trí cán bộ khi gần tới tuổi. Theo anh Nguyễn Minh Kiên, Bí thư Thành đoàn Long Khánh – một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện quy chế cán bộ Đoàn chia sẻ, để đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ, góp phần giải quyết tốt vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn, hằng năm, Ban thường vụ Thành đoàn đều chỉ đạo các cơ sở Đoàn thực hiện tốt công tác quy hoạch, đưa đi đào tạo trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ dự nguồn có đầy đủ trình độ, năng lực đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ mới. Vì vậy, đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay của thành phố 100% đạt chuẩn. Chuẩn về trình độ, năng lực đã giúp cho đội ngũ cán bộ Đoàn có được sự tín nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở. Điển hình là tại đại hội các Đảng bộ xã, phường có 100% bí thư đoàn xã, phường của TP.Long Khánh trúng cử vào ban chấp hành.

Theo anh Kiên, bên cạnh đội ngũ cán bộ Đoàn hiện tại, Thành đoàn cũng chỉ đạo cơ sở mỗi năm phải bổ sung quy hoạch cán bộ dự nguồn đối với mỗi chức danh chủ chốt của Đoàn từ 2-3 người. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến lực lượng cán bộ trẻ, khỏe, có năng lực, đã trải qua thực tiễn công tác ở cơ sở.

Tại H.Xuân Lộc, từ năm 2010 đến nay, 100% cán bộ Đoàn sau khi hết tuổi Đoàn được luân chuyển và bố trí công việc mới phù hợp; nhiều cán bộ trẻ trưởng thành từ công tác Đoàn được bầu giữ các chức danh chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc Phạm Thanh Kiên cho biết, có được kết quả này là nhờ có sự quan tâm của Huyện ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Huyện ủy và Ban thường vụ Huyện đoàn. Bên cạnh đó, với vai trò của mình, Huyện đoàn cũng đã làm tốt công tác tham mưu.

Cụ thể hằng quý, Huyện ủy thường chủ trì tổ chức giao ban với thường trực Đảng ủy các xã, thị trấn với sự tham dự của đại diện các đoàn thể. Qua tổng hợp báo cáo từ cơ sở, đối với những trường hợp gần hết tuổi Đoàn, đại diện Huyện đoàn sẽ báo cáo tại cuộc họp giao ban và Huyện ủy sẽ chỉ đạo thường trực Đảng ủy các xã, thị trấn chú ý. Đối với những trường hợp khó khăn, Huyện đoàn sẽ trực tiếp làm việc với cấp ủy xã, thị trấn để tìm cách tháo gỡ.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường, bên cạnh những ưu điểm, qua 10 năm thực hiện, Quy chế cán bộ Đoàn cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.Trong đó, việc tinh giản biên chế gần đây trở thành trở ngại đối với vấn đề giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn; quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn khối trường học, khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang còn nhiều bất cập so với thực tiễn… Những bất cập này, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương Đoàn để có tham mưu sửa đổi Quy chế cán bộ Đoàn cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202007/quy-che-can-bo-doan-tncshcm-tao-dong-luc-cho-can-bo-doan-phan-dau-3014717/