Quỹ bảo vệ nhà đầu tư: Còn nhiều bất cập

Dự thảo mới về Luật Chứng khoán sửa đổi đã đưa vào quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, tuy vậy vẫn có nhiều điểm bất cập. Tạp chí Nhà Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch, nguyên Tổng thư ký VAFI nhiệm kỳ I, II.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch, nguyên Tổng thư ký VAFI nhiệm kỳ I, II.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch, nguyên Tổng thư ký VAFI nhiệm kỳ I, II.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người chiếm số đông trên thị trường chứng khoán và giúp hoạt động môi giới của nhiều các công ty chứng khoán sinh lời. Tuy vậy, họ lại là những người chịu nhiều thiệt thòi khi chưa có nhiều cơ chế bảo vệ trước rủi ro của thị trường.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã đưa ra quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, đây được coi là quyền lợi cơ bản bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt trong bối cảnh các công ty chứng khoán đang trong quá trình tái cấu trúc.

Cụ thể, dự thảo mới cho hay, Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán hình thành từ sự đóng góp của các công ty chứng khoán là thành viên Sở Giao dịch chứng khoán để hoàn trả một phần cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý hoặc phá sản.

Theo quy định mới, quỹ này sẽ do Sở Giao dịch chứng khoán quản lý và phải được tách bạch với tài sản của Sở Giao dịch chứng khoán. Tuy vậy, vẫn còn một số điểm bất cập liên quan tới quy định này.

- Ông nghĩ sao về việc quỹ bảo vệ nhà đầu tư được đưa vào Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Đây là một điểm đáng hoan nghênh trong Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, cách đây mười năm chúng tôi (VAFI) đã đề xuất vấn đề này. Cần biết, lĩnh vực Ngân hàng có định chế nhằm bảo vệ tiền gửi, chứng khoán theo đó cũng cần một định chế tương tự để bảo vệ nhà đầu tư.

Không phải công ty chứng khoán nào cũng hoạt động minh bạch và có tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, thậm chí một số công ty chứng khoán đã phá sản, đó là chưa kể đến nhiều trườn hợp công ty có chủ trương lừa đảo nhà đầu tư, hoặc một số nhân viên cấu kết lừa đảo,… việc để một nhà đầu tư chứng khoán nhận biết một công ty hoạt động tốt không dễ.

Do đó, tôi có thể khẳng định lại việc lập nên quỹ bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ thế giới có mục đích nhằm hỗ trợ quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư.

Tiền từ quỹ này lấy từ lợi nhuận của các công ty chứng khoán và theo đó các công ty này cũng có thể lấy tiền từ các nhà đầu tư thông qua tiền phí, nhưng tính minh bạch cũng cần phải làm rõ khi hiện nay đã có quy định về Quỹ hỗ trợ thanh toán và Quỹ bù trừ với mục tiêu đảm bảo khả năng thanh toán. Ngoài ra, cũng cần lưu ý xem xét vai trò đóng góp của Ngân hàng (nơi lưu trữ tài sản tiền của nhà đầu tư) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (nơi lưu trữ tài sản chứng khoán) trong trường hợp quỹ này ra đời.

Ngoài ra, theo ý kiến của tôi, nên để một định chế pháp lý độc lập quản lý số tiền mà công ty chứng khoán trích lập (thay vì để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý), họ sẽ có các cổ đông nòng cốt và chiến lược quản lý độc lập quỹ này. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng của định chế này không chỉ ở việc đền bù tiền mà còn góp phần lên tiếng và giám sát quá trình hoạt động của các công ty chứng khoán.

- Một số đơn vị đánh giá, việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư có thể tạo gánh nặng chi phí cho công ty chứng khoán hoặc bản thân nhà đầu tư nếu các CTCK tính thêm phí bảo vệ cho khách hàng, ông đánh giá thế nào?

Thực tế lo ngại này cũng có phần đúng, bởi nếu ra đời quỹ này, các thành viên của thị trường sẽ vừa phải chịu phí từ quỹ nhà đầu tư và quỹ thanh toán như hiện tại. Theo tôi, không nên tồn tại cùng lúc hai quỹ này.

- Một điều quan trọng dự thảo đưa ra là mức bồi thường vẫn chưa được nêu rõ ràng. Ông đánh giá mức bồi thường chi trả cho nhà đầu tư ở khoảng nào là hợp lý?

Thông thường mức bồi thường nên là tối đa.

Với quỹ bảo vệ nhà đầu tư Thái Lan (SIPF), mức tiền tối đa SIPF hoàn trả cho nhà đầu tư được quy định như sau: (i) không quá 20% giá trị tài sản của quỹ trong trường hợp thành viên của quỹ không thể hoàn trả tài sản cho nhà đầu tư theo phân xử của trọng tài; (ii) không quá 80% tài sản của quỹ trong trường hợp thành viên của quỹ không thể hoàn trả tài sản cho nhà đầu tư như yêu cầu của phán quyết từ Tòa án theo pháp luật về phá sản.

Tại Canada (CIPF), họ sử dụng mô hình tỷ trọng tài sản khách hàng trong mối liên hệ với rủi ro tiềm năng của thành viên. Mức độ rủi ro được đánh giá thông qua điểm rủi ro của thành viên và được xác định dựa trên các tiêu chí về mức độ kiểm soát nội bộ, lợi nhuận và vốn của thành viên. Theo đó, việc trích lập quỹ sẽ được tính trên cơ sở tài sản của khách hàng được đảm bảo và xếp hạng theo rủi ro của thành viên. Bên cạnh đó, với các thành viên đã từng có vi phạm quy định về trích nộp tiền sẽ được yêu cầu duy trì mức thu phụ trội trong suốt khoảng thời gian tham gia.

Tuy vậy, tôi vẫn nhấn mạnh ngoài việc đền bù và hoàn trả một phần tiền, quỹ bảo vệ nhà đầu tư còn cần có vai trò giám sát hoạt động của các đơn vị thành viên.

Huy Ngọc

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quy-bao-ve-nha-dau-tu-con-nhieu-bat-cap-20180504224219356.htm