Quỹ bảo hiểm y tế tại nhiều địa phương bị âm trên 200 tỷ đồng

Thông tin này được đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết tại 'Hội thảo về định hướng chính sách sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT)', diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội. Có tới 60/63 tỉnh, thành phố vượt chi quỹ được sử dụng trong kỳ; 13 tỉnh ước bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng…

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Việt Anh TGTT online)

Đứng đầu danh sách các địa phương bội chi quỹ là Nghệ An (-751,9 tỷ), Thanh Hóa (-749,2 tỷ), Quảng Nam (-486,5 tỷ), Thái Bình (-350,3 tỷ), Quảng Ninh (-341 tỷ), Hà Nội (-319,1 tỷ)…

Tại Hội thảo, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 86,9% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm, BHYT đã góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, quá trình thực hiện, Luật BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạt pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: phạm vi được hưởng BHYT; mức hưởng; tổ chức khám chữa bệnh BHYT (hợp đồng, đăng ký khám chữa bệnh, chuyển tuyến, thủ tục khám chữa bệnh, giám định); phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…

Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết để khắc phục những khó khăn, vướng mắc để BHYT là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bên cạnh những ưu điểm như tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân; mang lại cho người dân cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả và có chất lượng …, thì Luật BHYT vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Đó là sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật; trong quy định về thông tuyến còn những điều thiếu khả thi. Cụ thể, Luật BHYT chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn mà không đề cập đến các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện khác như bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y, yế tế cơ quan đơn vị; mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng; chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi, còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế, năng lực của cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài long của người bệnh.

Chưa có cơ chế rõ ràng cho việc kiểm soát trách nhiệm đóng BHYT; thiếu sự đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHYT trong các năm do sự gia tăng giá dịch vụ y tế do yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…

Một vấn đề đáng quan tâm nữa được đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra tại hội thảo, đó là hiện có tới 23 địa phương trong cả nước chưa đạt tỷ lệ bao phủ BHYT. Tình trạng này tập trung chủ yếu tại khu vực có ít đối tượng chính sách xã hội hoặc các khu vực có nền kinh tế chưa phát triển, những khu vực có nhiều đối tượng hộ gia đình và đối tượng lao động phi chính quy.

Do vậy, hội thảo lần này sẽ tổng kết đánh giá những vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT và đề xuất các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật BHYT. Từ những trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham gia sẽ có những đóng góp tốt hơn cho định hướng sửa đổi Luật và tạo tiền đề cho các hoạt động xây dựng Luật trong thời gian tới.

H.GIANG - V.ANH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/quy-bao-hiem-y-te-tai-nhieu-dia-phuong-bi-am-tren-200-ty-dong-15412.html