Quốc tế ghi nhận nhiều thành tích của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Ngày 6/12, tại tỉnh Hòa Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12).

Tại hội nghị, Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Tường Duy Kiên nhấn mạnh: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý. Vượt qua những tuyên ngôn nhân quyền trước đây của các nước phương Tây, đưa ra quan điểm hiện đại của cộng đồng quốc tế về các vấn đề quyền con người, diễn tả một cách tổng quát và thống nhất những giá trị, nguyên tắc hay chuẩn mực chung về quyền con người đã đạt được trong di sản văn hóa của nhân loại. Những giá trị đạo đức và chính trị to lớn của Tuyên ngôn được các quốc gia trên thế giới thừa nhận, tôn trọng. Mặc dù không có ràng buộc pháp lý nhưng Tuyên ngôn là nguồn cơ bản, cơ sở tư tưởng để xây dựng nên các văn kiện, tổ chức, thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy mô toàn thế giới, ở các khu vực và hiến pháp, luật pháp của các quốc gia.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt những thành tích được quốc tế ghi nhận trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, nhất là thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trước đây, mục tiêu phát triển bền vững hiện nay. Từ một nước nghèo kém phát triển, người dân thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên, đạt tăng trưởng GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua, là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống của gần 100 triệu người dân được nâng cao.

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện khuyến nghị quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam chấp thuận thông qua các cơ chế của Liên Hợp Quốc như, cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế báo cáo định kỳ các Công ước mà Việt Nam là thành viên, xây dựng các chương trình hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nỗ lực trong việc triển khai các chương trình phát triển, đặc biệt là việc hỗ trợ người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả công cuộc phát triển đất nước. Bên cạnh đó Việt Nam tiếp tục là thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc về quyền con người, trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Việt Nam là thành viên nhiệm kỳ 2014-2016) và Hội đồng kinh tế xã hội (ECOSOC), hiện đang ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung chính như: Giá trị thời đại của Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế - Thời cơ, thách thức đối với Việt Nam; quán triệt các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền nhân quyền của Đảng, Nhà nước và định hướng tuyên truyền nhân quyền năm 2019. Cùng với đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về nhân quyền trên báo chí.

Thanh Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/quoc-te-ghi-nhan-nhieu-thanh-tich-cua-viet-nam-trong-bao-ve-thuc-day-quyen-con-nguoi-20181206133645693.htm