Quốc tế chung ý chí thúc đẩy COC

Thời gian gần đây, việc thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được cộng đồng quốc tế tiếp tục nêu cao. Song hành với đó, nhiều quốc gia và tổ chức khu vực cũng hối thúc các bên liên quan đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có hiệu lực thực chất, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp vào đầu tháng 4 tại Trung Quốc. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Malaysia

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp vào đầu tháng 4 tại Trung Quốc. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Malaysia

Tầm quan trọng của khu vực Biển Đông

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Một trong những trọng tâm thảo luận giữa các nhà lãnh đạo hai nước là vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Malaysia cho hay, nước này luôn sẵn sàng và ưu tiên cao nhất trong việc thực hiện các biện pháp đàm phán, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các tranh chấp, chồng lấn ở khu vực Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc cũng nhấn mạnh quan điểm sẵn sàng và ưu tiên thúc đẩy làm việc với Malaysia và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đẩy nhanh quá trình tham vấn về COC.

Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, nước này sẵn lòng cùng Malaysia và các quốc gia ASEAN chủ động, tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán về Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, cũng như cùng nhau triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và xây dựng cộng đồng kinh tế Đông Á.

Ở góc độ toàn cầu, trong một tuyên bố chung gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Anthony Albanese đã kêu gọi xây dựng COC hiệu quả, thực chất và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt coi trọng UNCLOS năm 1982 nhằm đối phó với các thách thức liên quan tới trật tự hàng hải dựa trên pháp luật. Trong đó, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Biển Đông.

Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Australia cũng nhấn mạnh lập trường nêu cao tầm quan trọng của việc thực thi các quyền và tự do ở mọi vùng biển và đại dương, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không. Song hành với đó, hai Thủ tướng cũng đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; mọi ý đồ nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng… Hai Thủ tướng đồng thời kêu gọi các quốc gia nên tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.

Ngoài ra, một điểm nhấn quan trọng trong tuyên bố chung, ông Modi và ông Albanese tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác thông qua Nhóm Bộ Tứ (Quad), đặc biệt nhấn mạnh mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác Quad ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai Thủ tướng khẳng định cam kết thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và có khả năng chống chịu, đồng thời thực hiện các cam kết từ Hội nghị thượng đỉnh Quad năm 2022.

Khơi thông điểm nghẽn, phá thế bế tắc đàm phán COC

Là thành viên của Quad, Mỹ gần đây cũng tuyên bố ủng hộ COC có tính ràng buộc về pháp lý, trong đó, các yêu sách phải dựa trên luật pháp quốc tế. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, siêu cường này ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đạt được COC mang tính ràng buộc về pháp lý, công nhận quyền của tất cả các bên liên quan và phải hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung vừa qua ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: PTI

Chia sẻ với truyền thông quốc tế, ông Kritenbrink tái nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông. Ông Kritenbrink cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, mọi yêu sách của các quốc gia ở Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế; mọi tranh chấp hoặc tuyên bố chồng lấn tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế. Cùng với đó, ông Kritenbrink kêu gọi các quốc gia liên quan thực hiện hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Theo truyền thông quốc tế, bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian qua xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, trong khi đó, tiến trình đàm phán COC gặp nhiều trở ngại, thậm chí lâm vào thế bế tắc liên quan tới hàng loạt thách thức lịch sử chung của thế giới, điển hình như ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19. Trong bối cảnh chung phức tạp, Indonesia - Chủ tịch ASEAN năm 2023 đã được kỳ vọng đóng vai trò thúc đẩy đàm phán giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.

Ngay trong đầu tháng 4/2023, truyền thông quốc tế dẫn các bình luận đánh giá từ giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận, Indonesia đã phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều năm của tiến trình đàm phán COC. Một trong những điểm nhấn quan trọng, COC cần thiết như một hướng dẫn cơ bản để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ xung đột công khai giữa các bên tranh chấp.

Indonesia gần đây cũng đã chủ trì tổ chức một cuộc họp kín giữa các quan chức cấp cao của các bên liên quan về COC ở Thủ đô Jakarta, Indonesia. Trong đó, kết quả của cuộc họp hứa hẹn giải quyết tốt những “điểm nghẽn” hiện hữu. Truyền thông Indonesia dẫn lời phân tích từ các quan chức ngoại giao của nước này cho hay, trên thực tế, việc đưa ra mốc thời gian rõ ràng về thời điểm ký kết COC chưa thể xác định. Trong khi đó, những bất đồng giữa các bên vẫn còn hiện hữu.

Song, giới chuyên gia quốc tế khẳng định, việc sớm hay muộn đưa ra COC không quan trọng. Cần xác định rõ ràng rằng, COC không thể chỉ là một văn bản được các bên ký kết, không cần phải ưu tiên về mặt thời gian mà phải ưu tiên về chất lượng. Theo đó, khi được ký kết, COC phải thực sự là một bộ quy tắc có hiệu lực thực chất, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo giới quan sát, các cuộc đàm phán COC thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận những kỳ vọng, rằng cả hai bên sẽ thể hiện thái độ thiện chí mạnh mẽ để hoàn tất kịp thời một COC đã được trông ngóng lâu nay. Với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, giới quan sát kỳ vọng Indonesia sẽ hiện thực hóa hiệu quả các cam kết hòa bình và đảm nhận vai trò trung gian hòa giải ở Biển Đông.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quoc-te-chung-y-chi-thuc-day-coc-post460314.html