Quốc tang tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Ngày 3/5, tang lễ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh diễn ra với nghi thức Quốc tang, tại ba điểm Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh. Ban lễ tang gồm 39 người do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc

Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 11h, lễ truy điệu từ 11h ngày 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. Cũng thời gian này, tại hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong hai ngày Quốc tang (3 và 4/5), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các đoàn viếng tang ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa.

Sinh năm 1920 tại xã Lộc An (Phúc Lộc, Thừa Thiên Huế), sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần hồi 20 giờ 10 phút ngày 22/4 tại nhà số 5A Hoàng Diệu, TP Hà Nội.

Vị tướng có tầm nhìn chiến lược

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh có mặt trên nhiều chiến trường khó khăn ác liệt, chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở phía Tây Nam và giúp cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ Khmer đỏ diệt chủng để hồi sinh, xây dựng lại đất nước Campuchia.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh là người chỉ huy sâu sắc, quyết liệt, có tầm nhìn xa, trông rộng.

“Ông là một con người quyết đoán, có tầm nhìn chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là người có vai trò to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Ông cũng là người xây dựng, đặt nền móng mở rộng mối quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới và có vai trò to lớn trong việc bình thường mối quan hệ với các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.

Phong cách sống của Đại tướng Lê Đức Anh rất mẫu mực, khiêm tốn, giản dị. Tướng Rinh cho hay, mỗi khi có dịp đi các địa phương, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thường tranh thủ gặp gỡ, hỏi han người dân và cán bộ cơ sở để biết rõ tình hình xã hội và cuộc sống của đồng bào một cách thực chất và đúng đắn nhất.

Chính việc sâu sát cuộc sống người dân, hiểu rõ sự mất mát của các mẹ có con đi chiến đấu và hi sinh, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. “Đề xuất này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với gia đình có công”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.

Liêm khiết, không tư lợi cho bản thân, gia đình

Còn trong ấn tượng của ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì Đại tướng Lê Đức Anh là người rất liêm khiết, cống hiến vì Tổ quốc, không tư lợi cho bản thân, gia đình.

“Khi còn là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tôi có nhiều dịp may mắn được tiếp xúc, làm việc với nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, nên cảm nhận được nhiều điều tốt, rất đáng trân trọng. Đồng chí Lê Đức Anh là người lãnh đạo được dân mến, dân thương, dân phục. Về phong cách sống, đồng chí Lê Đức Anh sống rất giản dị, không quan cách. Dù là tướng quân đội, nhưng qua tiếp xúc tôi thấy được sự dân dã, gần gũi”, ông Nguyễn Túc nói.

Theo ông Nguyễn Túc, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người cán bộ giúp cho dân ta, Đảng ta hiểu sâu hơn về sự hi sinh cống hiến của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời gian Đại tướng làm Chủ tịch nước đã có nhiều kiến nghị để Nhà nước giải quyết chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng, chất độc màu da cam, thương bệnh binh.

Ký ức về danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, những đóng góp của Đại tướng Lê Đức Anh trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước rất to lớn. Và ông ấn tượng nhất khi Đại tướng là người thúc đẩy, đưa ra sáng kiến việc ra một pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

“Là tướng lĩnh, trưởng thành từ một chiến sỹ đi lên nên Đại tướng rất thông hiểu, biết rõ sự hi sinh to lớn của cả dân tộc, đất nước, đặc biệt là các bà mẹ. Do đó, ông đã góp công, góp sức, đầu tư rất lớn để đề xuất xây dựng pháp lệnh. Tất nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh, sau đó chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký công bố văn bản đó.

Ngày 10/9/1994, với cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.

Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (NXB Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản năm 2015) đã ghi lại những ký ức của Đại tướng Lê Đức Anh về việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

“Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Pháp lệnh trên phạm vi cả nước, ngày 1/12/1994, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" đợt 1 tại hội trường Ba Đình lịch sử. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã đi bên tôi, trong cương vị người đứng đầu Nhà nước, hay nói đúng hơn là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch. Bên hàng quân danh dự là những chiến sĩ trẻ trung và nghiêm trang, nắng Ba Đình soi rõ ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của các bà mẹ”, Đại tướng Lê Đức Anh nhớ lại trong hồi ký của mình.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các Khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng Khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa: V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị Khóa VIII; đại biểu Quốc hội các khóa: VI, VIII, IX.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam…

Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa V bầu vào Bộ Chính trị (tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.

Tháng 2/1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Từ năm 1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 Khóa VIII, ông xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Chủ tịch nước, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/quoc-tang-tuong-nho-nguyen-chu-tich-nuoc-dai-tuong-le-duc-anh_t114c67n147927