Quốc sách hàng đầu hướng tới tương lai

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang là vấn đề được ưu tiên ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Ở châu Á, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu về phát triển nguồn nhân lực. Xuất phát từ việc xác định rằng, nước Nhật nghèo tài nguyên thiên nhiên, để phát triển thì chỉ có thể trông chờ vào chính mỗi người dân, chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng tới giáo dục - đào tạo, coi đây là quốc sách hàng đầu.

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giúp Nhật Bản đạt được nhiều dấu ấn phát triển.

Chính sách đào tạo nguồn nhân lực ở Nhật Bản được coi trọng từ thời Minh Trị (1868 - 1912). Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc ưu tiên phổ cập giáo dục phổ thông. Đặc biệt, các cấp tiểu học đã được hình thành từ chính trường học trong những ngôi chùa do các nhà sư dạy dỗ. Trên cơ sở của các trường học này, kiến thức chung của người Nhật Bản đã được nâng cao, làm cơ sở cho việc giáo dục phổ thông trung học và đại học.

Với phương châm “Học Tây phương, đuổi kịp Tây phương và vượt qua Tây phương”, Minh Trị Thiên Hoàng đã mời nhiều giáo sư nước ngoài đến thỉnh giảng với nhiều chính sách ưu tiên, tuyển dụng và coi trọng tài năng của người nước ngoài. Những học sinh tham gia học kiến thức từ các chuyên gia nước ngoài đều chăm chỉ, nhiệt huyết tiếp thu kiến thức một cách tối đa. Chỉ trong một thời gian ngắn, những học sinh này đã trở thành nhân vật nòng cốt, kế cận để tiếp tục phát triển giáo dục, khoa học công nghệ và là những nhà giáo dục thay thế cho đội ngũ giáo sư người nước ngoài.

Thừa hưởng nền tảng vững chắc và lâu đời của ngành giáo dục xa xưa, ngày nay, “Xứ sở hoa anh đào” có nhiều lợi thế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhất là trong những năm gần đây, thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ Nhật Bản đã liên tục triển khai nhiều chương trình cải cách giáo dục theo hướng kết nối giáo dục trung học phổ thông và đại học, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các trường đại học, chú trọng tăng cơ hội học tập hoặc đào tạo lại cho người đang đi làm.

Tháng 3-2016, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đề ra 3 phương châm lớn về đường hướng cải cách để các trường đại học tham khảo, đó là: Phương châm xét tốt nghiệp và cấp bằng, phương châm sửa đổi chương trình đào tạo, phương châm tiếp nhận sinh viên. Ngoài ra, Bộ Giáo dục còn chủ trương hoàn thiện chức năng bảo đảm chất lượng nội bộ, coi đây như một chu trình tự cải cách của các trường đại học. Để thúc đẩy một cách hiệu quả và thiết thực các hoạt động nghiên cứu giáo dục tại các trường đại học, Bộ Giáo dục cũng đã sửa đổi các quy định liên quan đến việc tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, giáo viên, kỹ thuật viên trong chương trình có tên gọi “Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học” .

Về đào tạo trên đại học, dựa trên kiến nghị của Hội đồng tư vấn giáo dục trung ương với chủ đề “Cải cách giáo dục trên đại học hướng tới tương lai”, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên ngành liên quan để tham vấn các chuyên gia giáo dục. Kết quả thu được thông qua các hội nghị này được lấy làm cơ sở để xây dựng những tiêu chuẩn cơ bản cho giáo dục trên đại học chất lượng cao.

Để tạo ra một hệ thống liên kết đồng bộ, chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều dự án hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, các công ty tư nhân, các cơ quan nghiên cứu, đồng thời kết nối với các trường đại học danh tiếng trên thế giới để tạo ra đội ngũ nhân lực xuất sắc đạt tiêu chuẩn thế giới về giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu và làm việc.

Không chỉ trong các trường học, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực về kinh doanh, tác phong làm việc, tạo hình ảnh chuyên nghiệp. Đặc biệt, các vị trí quản lý ít nhất một lần được luân chuyển sang chi nhánh khác trong nước hoặc nước ngoài. Việc làm này nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật chuyên môn cần thiết cho chi nhánh; khuyến khích các nhân viên đóng góp và trọng dụng ý kiến của nhân viên trong quá trình ra quyết định. Khi có các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty như tài chính, nhân sự, chính sách kinh doanh, hội đồng lao động trực tiếp tham vấn ý kiến của nhân viên khi ban hành các quyết định. Sự hợp tác này khiến nhân viên nhận thấy mình được tôn trọng, được đối xử công bằng nên họ có trách nhiệm và sẵn lòng vì mục tiêu chung.

Có thể nói, Nhật Bản đang tạo ra nhiều dấu ấn trong cuộc cải cách giáo dục, đào tạo. Thành quả của những nỗ lực này sẽ là thế hệ nguồn nhân lực mới chất lượng cao với kiến thức và chuyên môn sâu, có kỹ năng giải quyết tốt các thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều biến động.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chuyen-la/983637/quoc-sach-hang-dau-huong-toi-tuong-lai