Quốc Oai- Hà Nội: Nhiều sai phạm tại Trường THPT Phan Huy Chú

Từ đơn thư tố cáo của công dân, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Hà Nội vừa vào cuộc kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm của Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Trường THPT Phan Huy Chú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Trường THPT Phan Huy Chú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Bất thường thu, chi tiền

Theo nội dung kết luận tố cáo của Sở GDĐT TP Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2018 - 2019 đến hết tháng 6/2020 ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú không phân công kế toán trường tham gia các hoạt động thu, chi tài chính của nhà trường từ đầu năm 2018 - 2019 đến hết tháng 6/2020.

Thay vào đó, Hiệu trưởng trường lại giao việc thu, chi cho những người không có quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ là ông Nguyễn Quang Hào và bà Lý Thị Thanh Mai.

Việc làm trên khiến các khoản thu, chi trong nhà trường rất nhập nhèm. Cụ thể, năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 Trường THPT Phan Huy Chú tổ chức thu tiền sổ liên lạc điện tử, tuy nhiên khoản thu này không báo cáo về Sở. Số tiền thu sổ liên lạc điện tử là hơn 170 triệu đồng.

Các khoản tiền thu được từ quà tặng nhân dịp các ngày lễ như ngày thành lập trường, Ngày Nhà giáo Việt Nam đều không được thống kê, không có biên bản giao nhận.

Tất cả các khoản tiền trao tặng đều do bà Lý Thị Thanh Mai bóc ra, ghi sổ tổng hợp dưới sự chứng kiến của Hiệu trưởng. Các khoản tiền này đã được chi và không có sổ theo dõi.

Theo kết luận tố cáo, năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú không thực hiện quy trình đối với các khoản thu thỏa thuận, thu tự nguyện.

Cụ thể, năm học 2018 - 2019, Trường THPT Phan Huy Chú không bàn bạc, họp thông báo với các giáo viên chủ nhiệm đối với các khoản thu tiền sổ liên lạc điện tử, tiền nước uống, tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020, trường không có văn bản thỏa thuận về mức thu tiền dạy thêm, học thêm, tiền nước uống giữa đại diện phụ huynh học sinh với nhà trường.

Mặt khác, các khoản thu học phí, tiền học thêm, nhà trường thu được đều không nộp về Kho bạc Nhà nước. Các khoản tiền này đều do thủ quỹ trường tự cất giữ.

Cụ thể, từ đầu năm học 2018 - 2019, tại cuộc họp Hội đồng nhà trường, Hiệu trưởng đã giao cho bà Lý Thị Thanh Mai thực hiện việc thu tiền học thêm của tất cả các lớp trong 2 năm học.

Sau khi thu tiền, bà Mai tự cất giữ và chuyển dần cho thủ quỹ phát tiền theo danh sách do ông Nguyễn Quý Hào lập theo từng đợt. Các lần chuyển tiền cho thủ quỹ không được lập phiếu giao nhận.

Tại thời điểm đoàn xác minh của Sở GDĐT TP Hà Nội kiểm tra, tiền mặt tại trường chỉ có 300 triệu đồng. Sau đó ít phút, thủ quỹ trường về nhà lấy thêm 99 triệu đồng mang đến.

Tuy nhiên, nhà trường không xuất trình được sổ quỹ và sổ kế toán về việc theo dõi số liệu để kiểm tra, đối chiếu với số liệu kiểm kê quỹ thực tế.

Đoàn kiểm tra của Sở GDĐT TP. Hà Nội cũng phát hiện, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú chỉ đạo thực hiện các khoản thu không đúng quy định như tiền xã hội hóa với mức thu 50.000đ/ học sinh/ năm học. Tiền thực tập quân đội với mức thu 650.000đ/ học sinh.

Theo kết luận, việc nhà trường thu tiền xã hội hóa nhằm mục đích mua bàn ghế cho phòng học, tuy nhiên khoản tiền thu trên thực tế không thực hiện mua bàn ghế mà được chi vào việc khác.

Lập khống biên bản bàn giao tiền

Theo kết luận xác minh, ngày 26/11/2018 Trường THPT Phan Huy Chú có tờ trình xin cấp phép dạy thêm, nhưng hoạt động dạy thêm đã tiến hành từ tháng 10/2018.

Hồ sơ xin cấp phép dạy thêm năm học 2018 - 2019, Trường Phan Huy Chú lập danh sách 17 giáo viên, nhưng thực tế: Học kỳ I có 34 giáo viên tham gia giảng dạy nhưng danh sách phân công chỉ có 22; Học kỳ II có 36 giáo viên tham gia giảng dạy nhưng danh sách phân công chỉ có 23 người.

Hồ sơ để thanh toán cho giáo viên dạy do ông Nguyễn Quý Hào lập có đủ tên 34 giáo viên trong học kỳ I và 36 giáo viên trong học kỳ II. Tuy nhiên, hồ sơ hoàn thiện dùng để báo cáo tài chính, ông Hào lại lập danh sách thanh toán học kỳ I là 22 giáo viên và học kỳ II là 23 giáo viên.

Đáng chú ý, việc chi trả tiền cho giáo viên giảng dạy là 70% tổng số tiền thu được, nhưng các giáo viên dạy thêm chỉ nhận được 49%, còn 21% Hiệu trưởng phân bổ cho các trợ giảng.

Thế nhưng, các trợ giảng chỉ được ký xác nhận chứ không thực lĩnh, bởi, số tiền này được nhập vào quỹ riêng. Theo lý giải của hiệu trưởng, 21% này được nhập vào quỹ giáo viên thỉnh giảng.

Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú còn chỉ đạo lập khống biên bản bàn giao tiền cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Cụ thể, ngày 6/10/2019, Hiệu trưởng đã mời đại diện cha mẹ học sinh đến họp thống nhất các khoản thu và phương án thu năm học 2019 -2020 nhưng không có nội dung trả lại các khoản thu tự nguyện (đã thu trước đó) cho đại diện cha mẹ học sinh các lớp.

Vậy mà ngày 8/10/2019, nhà trường lại lập biên bản bàn giao các khoản thu tự nguyện (343 triệu đồng) cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trường năm học 2019 - 2020. Tuy nhiên, thực tế, số tiền này vẫn do nhà trường giữ và tự chi.

Theo kết luận của Sở GDĐT TP. Hà Nội, số tiền nhà trường đã thu là 380 triệu đồng cho quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh trường năm học 2019 - 2020. Hiệu trưởng đã chi 317 triệu đồng cho 35 nội dung chi, trong đó có những khoản chi không đúng quy định, không có chứng từ kế toán hợp lệ.

Đức Sơn- Minh Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-oai-ha-noi-nhieu-sai-pham-tai-truong-thpt-phan-huy-chu-521608.html