Quốc khánh 2-9: Người dân Thủ đô thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao ở đâu?

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 diễn ra trong 3 ngày, nhiều đơn vị nghệ thuật đã dàn dựng các chương trình riêng cho dịp này, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và nhu cầu giải trí của người dân Thủ đô và du khách vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi diễn"

Hòa nhạc “Điều còn mãi” chiều 2-9

Trở thành “đặc sản” quen thuộc vào 14h chiều 2-9, chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” năm nay mang chủ đề “Trên đôi cánh tình yêu” với nhiều thay đổi đáng kể. Một số tác phẩm sẽ có các nhạc cụ điện tử chơi cùng dàn nhạc giao hưởng để mang lại không khí tươi mới, trẻ trung cho chương trình.
Theo truyền thống, hòa nhạc "Điều còn mãi" sẽ mở màn bằng bản “Quốc ca” của Văn Cao do Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thể hiện. Bên cạnh đó, tác phẩm “Việt Nam muôn năm” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ được ca sĩ Đăng Dương và dàn hợp xướng trình diễn. Ngoài ra, hòa nhạc "Điều còn mãi" năm nay còn giới thiệu tác phẩm “Du kích sông Thao” kinh điển của nhạc sĩ Đỗ Nhuận chuyển soạn cho tứ tấu Cello và Dàn nhạc giao hưởng.

Điểm nổi bật của năm nay là lần đầu tiên, hòa nhạc có số lượng ca sĩ tham gia đông đảo nhất đến từ hai miền Nam - Bắc, đó là: “Diva” Mỹ Linh, ca sĩ Đăng Dương, Mạnh Dũng, Khánh Linh, Tân Nhàn, Đức Tuấn. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc, chương trình còn có sự xuất hiện của những ca sĩ lần đầu tham gia: Phạm Khánh Ngọc - giải Nhì cuộc thi tìm kiếm giọng ca opera đầu tiên của Đông Nam Á 2016; ca sĩ Đào Mác (TP Hồ Chí Minh); ca sĩ Phúc Tiệp - Giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; NSƯT Hồng Liên tham gia ngâm thơ…

Xiếc đu bay

Các sự kiện văn hóa ngoài trời

Vào tối 29 và 30-8, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hai đêm tuyên truyền lưu động tại huyện Quốc Oai và huyện Thanh Trì. Các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Ứng Hòa... tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở trung tâm các quận để phục vụ nhu cầu của người dân.

Các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, nói chuyện về chủ đề cách mạng, gắn các hoạt động kỷ niệm với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Vào đúng ngày 2-9 là giải đua xe đạp Cúp Tôn hoa sen xuyên Việt với điểm xuất phát từ khu vực hồ Hoàn Kiếm và đích đến là TP Hồ Chí Minh. Cuộc đua năm nay gồm 14 chặng với tổng lộ trình thi đấu dài hơn 1.800 km dọc theo chiều dài đất nước.

Cũng trong dịp này, thành phố tổ chức Hội sách cũ tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng), tập trung giới thiệu trưng bày sách báo từ năm 1946 viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Đây là dịp để độc giả tiếp cận, tìm hiểu thêm những nguồn tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước như: Tờ Cứu Quốc số ra 813 năm 1949; Tờ Nhân Dân số ra ngày 2-9-1952; Tờ Quân Việt Bắc số 152 - 1955; Tờ Văn Nghệ số 18-1963...

Xiếc “đu bay” trở lại sau nhiều năm vắng bóng

Dịp 2-9 năm nay Liên đoàn sẽ tổ chức chương trình xiếc tổng hợp, trong đó có những tiết mục truyền thống như: Xe đạp, tung hứng, nhào lộn, xiếc gấu. Trong đó, đáng chú ý nhất là tiết mục đu bay do các nghệ sĩ trẻ của Liên đoàn thực hiện.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội tại khu vực Mỹ Đình vào tối 1-9; chương trình xiếc do Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội thực hiện tại trung tâm quận Hà Đông.

Theo NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - đơn vị phụ trách biểu diễn tại khu vực Mỹ Đình, Nhà hát đã dàn dựng chương trình với các ca khúc dân ca, chèo ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước như: “Bài ca thống nhất”, “Sóng đàn Thăng Long”, “Màu cờ tôi yêu”, múa “Sắc đào Nhật Tân”, “Hoa sen dâng Bác”, tiểu phẩm chèo “Giả giàu giả nghèo”…

Nguyễn Thanh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quoc-khanh-2-9-nguoi-dan-thu-do-xem-cac-hoat-dong-van-hoa-the-thao-o-dau-d79834.html