Quốc hội yêu cầu đổi mới kiểm tra chuyên ngành

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa được Quốc hội thông qua vào chiều nay (24/11).

Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại địa điểm KTCN ở cảng Hải Phòng của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia. Ảnh: T.Bình.

Tiếp tục giảm thời gian thông quan

Đối với lĩnh vực Tài chính, Nghị quyết của Quốc hội chỉ rõ: Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa phương thức quản lý, tiếp tục giảm mạnh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, kho bạc nhà nước.

Đổi mới hoạt động hải quan, triển khai có hiệu quả hệ thống hải quan điện tử (Hệ thống VNACCS/VCIS-PV), đổi mới kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, tăng cường hậu kiểm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất; tích cực triển khai thực hiện thông suốt Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tiếp tục giảm thời gian thông quan.

Liên quan đến công tác quản lý thuế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại. Phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp ngay từ khâu đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư đến xuất bán hàng hóa, sản phẩm để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống chuyển giá. Rà soát, đổi mới công tác thu thuế đối với hộ kinh doanh. Sớm ban hành Nghị định về hóa đơn điện tử, quy định về đẩy mạnh tuyên truyền để thực hiện nghiêm việc sử dụng hóa đơn trong mua, bán hàng hóa, xử lý nghiêm việc không chấp hành pháp luật trong sử dụng hóa đơn. Thực hiện các biện pháp để xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý.

Xử lý nghiêm CBCC vi phạm

Ngoài ra, ngành Tài chính cần tiếp tục nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ CBCC ngành Thuế, Hải quan, bảo đảm đội ngũ CBCC chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch; có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua từng năm.

Đối với Luật Quản lý nợ công vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này cần thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công cụ nghiệp vụ quản lý nợ công, quản lý chặt chẽ việc bảo lãnh của Chính phủ, việc vay về cho vay lại; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư kém hiệu quả, các lĩnh vực mà Việt Nam đã làm chủ công nghệ. Rà soát, tổng hợp giá trị các dự án mới ký kết và có khả năng sẽ ký kết trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn để báo cáo UBTVQH, đảm bảo nợ công trong giới hạn quy định.

Cũng trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu các ngành, lĩnh vực: Ngân hàng; Thông tin và Truyền thông; Tòa án (những ngành có Trưởng ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4- PV) cần khắc phục các hạn chế, bất cập đã được đại biểu Quốc hội chỉ ra trong các phiên chất vấn.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-yeu-cau-doi-moi-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx