Quốc hội Xưa và Nay

Tôi có duyên may được tham gia Quốc hội đến nay đã ngót hai thập kỷ (2002-2021). Thấy tôi là người làm công tác nghiên cứu lịch sử, lại ít nhiều nghiên cứu cả lịch sử của Quốc hội, nên có nhiều bạn hỏi tôi về Quốc hội Xưa và Nay (hiểu theo nghĩa thay đổi) có gì khác nhau?

Đương nhiên, câu trả lời không khác được là Quốc hội đã và còn phải thay đổi rất nhiều mới theo kịp sự đổi thay của thời cuộc, đòi hỏi của nhân dân và nhất là nhu cầu của Đổi mới… Nhưng đó là câu chuyện dài, còn nhân ngày Tết chỉ nêu vài cảm nhận nhỏ nhưng thú vị và không kém phần sâu sắc.

Buổi đầu, ngay từ Khóa I (1946-1959), trong Quốc hội đã có nhiều nhà thơ được bầu làm nghị sĩ, như Ngô Xuân Diệu (tên thật của nhà thơ Xuân Diệu), Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... vì thế đọc lại tư liệu cũ thấy quả thật có chuyện nhà thơ đến Quốc hội đọc thơ. Xin lưu ý rằng, trong kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên (1/1946), việc ứng cử rất tự do nên tranh cử không dễ dàng vì “số dư” (như cách nói hiện nay) lớn gấp bội phần bây giờ. Hà Nội bầu lấy 6 người mà có tới 74 người ra ứng cử. Điều đó cho thấy để “được vào Quốc hội” phải là người rất có uy tín.

Quang cảnh các vị thân hào Hà Nội gặp mặt tại Hội Khai trí Tiến Đức ngày 7/2/1946 (ảnh do sử gia Pháp Devillers cung cấp)

Quang cảnh các vị thân hào Hà Nội gặp mặt tại Hội Khai trí Tiến Đức ngày 7/2/1946 (ảnh do sử gia Pháp Devillers cung cấp)

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa I triệu tập vào tháng 12/1956, có nội dung quan trọng là việc sửa đổi và soạn thảo bản Hiến pháp mới thay thế Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã thông qua tại kỳ họp thứ 2 (11/1946) nhưng chưa kịp ban hành thì chiến tranh đã bùng nổ. Lần soạn thảo Hiến pháp đầu tiên có 2 nhà thơ tham gia Ban soạn thảo là Nguyễn Đình Thi và Ngô Xuân Diệu. Lần soạn thảo này không có nhà văn, nhà thơ nào trong Ban dự thảo, nhưng trong ban soạn thảo văn kiện lại có Nguyễn Đình Thi, Ngô Xuân Diệu, Xuân Thủy và Nguyễn Huy Tưởng, chiếm số nửa thành viên (8 vị).

Bản Hiến pháp sửa đổi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rằng: “nó sẽ phát huy hơn nữa lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta... để xây dựng một nước Việt Nam, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” đã được thông qua vào lúc ba giờ rưỡi chiều ngày 31/12/1959. Đó cũng là lúc thời khắc năm mới đã đến gần. Dân chúng Hà Nội kéo đến quảng trường Nhà Hát Lớn tề tựu. Từ trên bao lơn của Nhà hát, vị Chủ tịch nước và các vị đại biểu Quốc hội vẫy chào dân.

Trong không khí ấy, tại diễn đàn Quốc hội nhà thơ Huy Cận, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông ngẫu hứng tham luận bằng thơ về chủ đề “Hiến pháp mới” dài ngót một trăm (92) câu mở đầu: “Thưa Quốc hội, /Lòng hân hoan tôi xin có mấy vần/Nói cảm tưởng của tôi về Hiến pháp/Và trước hết xin vài lời được nhắc/Một chuyện đơn sơ kỷ niệm Tân Trào...”.

Là một đại biểu từng tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào (8-1945) nhà thơ Huy Cận đã kể lại bằng thơ câu chuyện một chị phụ nữ và một cháu bé lam lũ trong đoàn đại biểu nhân dân địa phương mang theo bu gà và con lợn giống đến chào mừng Đại hội. Đứng trước cảnh tượng ấy, Vị Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc đã xúc động nói với Đại hội cái quyết tâm tranh đấu để cho không còn những cháu bé hay người phụ nữ nước ta phải kham khổ và lam lũ như vậy...

Bài tham luận kết thúc bằng mấy câu thơ cổ vũ: “...Hiến pháp ta là muôn tay nắm chặt/Bạt núi non, lấp biển xây đời/Sống dũng cảm của cha ông đau khổ/Hiến pháp ta là mặt trời rạng tỏ/Mãi mãi non sông Tổ quốc Việt Nam/ Mặt trời ta chói lọi cả Bắc Nam /Ta thông qua cho Tổ quốc chúng ta/ Cho cả miền Nam xương máu ruột rà/ Ta thông qua, ta giơ tay cùng hứa/ Thực hiện theo lời Bác dặn từng lời/“Cứu nước rồi lo no ấm cho mọi người”/ Cho suốt cả hai miền Nam Bắc/Cho cả nước cùng chung một Hiến pháp”...

Lần thứ hai, trong Quốc hội có tham luận bằng thơ là vào kỳ họp thứ 4 của Khóa III (5/1968) họp tại Hội trường Ba Đình. Sau khi nghe báo cáo chính trị do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong đó có nhắc đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày sinh nhật, ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn, Bác ứng khẩu phúc đáp bằng 4 câu thơ: “Bẩy mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Gánh vững hai vai việc nước nhà/Đánh Mỹ hai miền đều thắng lợi/Tiến bước ta cùng con em ta”.

Tới buổi họp ngày hôm sau, nhà thơ Nông Quốc Chấn, đại biểu Bắc Thái đã tham luận bằng thơ mở đầu bằng câu: “Mấy dòng giản dị bao nhiêu tình/Phong cách ung dung Hồ Chí Minh/ Đẹp quá Bác ơi, lời Bác nói/ Tiếng từ Pác Bó, tiếng Ba Đình...” Bài tham luận chỉ có 6 khổ 4 câu, kết thúc bằng khổ: “Việt Nam hai chữ tự hào thay/Đảng, Bác chắp cho đôi cánh bay/ Sung sướng con em thời đại Bác/Hiên ngang giữ vững chính quyền này”.

Cũng trong ngày 19/5 năm ấy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông Xuân Thủy đang dự cuộc hòa đàm với Mỹ ở Paris, cũng từ Pháp gửi về 10 khổ thơ 4 câu chúc thọ Bác, trong đó có câu : “... Hôm nay tôi cũng đến Paris /Nắng mới tươi thắm lá quốc kỳ/Độc lập hòa bình tranh thắng lợi / Nhớ lời Bác dặn lúc ra đi...” và kết thúc bài thơ, tác giả nói lên trách nhiệm của mình: “Với bao chiến sĩ đã xung phong/Tiếng nói hòa trong tiếng núi sông/Quyết buộc xâm lăng câm miệng súng/ Món quà dâng Bác món quà chung”.

Bây giờ thì người làm thơ ngày một nhiều, nhưng ở Quốc hội khóa này (các khóa trước còn có nhà thơ Hữu Thỉnh) không còn thấy tên tuổi những nhà thơ (nay gọi là chuyên nghiệp) tham gia, và cũng chẳng có ai làm thơ ngợi ca nữa mà tham luận của các đại biểu dành nhiều quan tâm nói đến những vấn đề của dân, của nước. Chỉ đôi lần có người “lẩy Kiều” để bày tỏ cảm xúc là cùng.

Nhưng cũng chính nhà thơ Xuân Diệu (đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Quảng Nam), trong những “ngày đầu Dân quốc ấy” đã từng trải nghiệm một cảm xúc sâu sắc khi ra Hà Nội dự phiên họp đầu tiên (1/1946). Câu chuyện này do một nhà hoạt động lâu năm ở Quốc hội là cụ Lâm Quang Thự - nguyên là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam từ khóa đầu đến khóa III, rồi tiếp tục công tác tại Văn phòng Quốc hội kể lại.

Chuyện rằng: Trong 333 đại biểu đầu tiên trúng cử, có một số là đại biểu sống ở Hà Nội, còn lại rất nhiều đại biểu từ các địa phương trên cả nước tụ hội về. Nước đã độc lập nhưng Chính phủ lại rất nghèo, tài chính kiệt quệ, làm sao có thể lo nơi ăn chốn ở, xe cộ và tiền bạc cho đại biểu. Một Ủy ban thân hào ủng hộ Quốc hội được thành lập và mời đến Trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến Đức bên bờ Hồ Hoàn Kiếm (nay là quán ăn “Lục Thủy”), thuở đó được dùng làm cơ quan thường trực của Quốc hội. Sau khi đại diện Việt Minh nêu đề nghị Quốc hội mong được dân giúp sức, các thân hào, các nhà công thương Hà Nội đều xung phong nhận đại biểu về nhà mình ăn, ở và chu cấp mọi điều kiện để dự họp Quốc hội. Theo cụ Lâm Quang Thự: đoàn Quảng Nam có 4 người được một gia đình ở phố Hàng Bạc mời về. Chủ nhân là một bà đã ngoài 60 tuổi, có tên hiệu là “Lợi Thái”. Bà dành cho Đoàn cả một tầng gác để sinh hoạt. Sau bữa cơm đầu tiên bà trịnh trọng mời lên gác trên, ở đó có một ngôi điện thờ. Bà trang trọng mời chúng tôi đứng trước ban thờ và thắp hương nến rồi khấn vái, mà câu thành tâm nhất là: “Vái Ngài phù hộ các đại biểu đây khỏe mạnh, ăn nói hơn người...”. Rồi bà lấy mấy trái quả xuống đưa cho mỗi người và nói: “Đây là lộc của Ngài, các vị cầm lấy và tạ Ngài đi”.

Với người đàn bà - cử tri thế hệ đầu tiên của nền Dân quốc ấy, đã cầu mong rằng làm đại biểu Quốc hội phải là “ăn nói hơn người”, mới thấy dân ta gửi gắm sự kỳ vọng đối với những người được dân bầu làm đại diện, cho đến nay vẫn nguyên vẹn tính thời sự…

Dương Trung Quốc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-xua-va-nay-151977.html