QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ NĂM CHỦ TỊCH AIPA 2020: NHỮNG ĐÓNG GÓP TIÊU BIỂU CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Kể từ khi Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO/AIPA tới nay đã trải qua 25 năm với 24 kỳ họp Đại hội đồng và năm nay là lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch AIPO/AIPA, chúng ta đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Tổ chức Liên Nghị viện này. Ở đây tôi muốn đề cập đến một số đóng góp tiêu biểu của chúng ta, đặc biệt là quãng thời gian Quốc hội Việt Nam đảm đương Chủ tịch và đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPO 23.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO 2002 chủ trì phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPO 23 tại Hà Nội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO 2002 chủ trì phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPO 23 tại Hà Nội

Chủ trì thành công một số hội nghị chuyên đề

Ngay từ năm đầu tiên, sau khi chúng ta gia nhập AIPO, Quốc hội Việt Nam đã chủ động tham gia, đồng thời đăng cai chủ trì thành công một số hội nghị chuyên đề. Đóng góp đầu tiên rõ nét nhất của Quốc hội ta là góp phần xử lý khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực. Vào năm 1997 - 1998 các nước thành viên ASEAN phải căng mình tìm giải pháp và định hướng cho việc đối phó, thoát khỏi cuộc khủng hoảng trên tại khu vực vòng cung Đông Á - Đông Nam Á. Khủng hoảng này bắt đầu bằng sự kiện đồng tiền quốc gia Thái Lan (đồng Baht) bị phá giá liên tục từ giữa tháng 7.1997, sau đó là Indonesia, Philipines, Malaysia rồi lan truyền tới các nước khác, trong đó có cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với tinh thần trách nhiệm thành viên, ngay tại Kỳ họp Đại hội đồng AIPO 19 (tháng 8.1998), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất sáng kiến đăng cai tổ chức tại Hà Nội Hội nghị chuyên đề về "Vai trò của cơ quan lập pháp trước cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ”. Sáng kiến này được Quốc hội các nước đặc biệt hoan nghênh và đánh giá rất cao Việt Nam, dù là thành viên mới đã chủ động nêu cao vai trò và trách nhiệm, đứng ra cùng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chung vì lợi ích của tất cả các quốc gia khu vực.

Hội nghị được tổ chức vào tháng 3.1999. Trong hơn hai ngày làm việc khẩn trương và trách nhiệm, các nhà lập pháp các quốc gia ASEAN và khu vực đã tập trung thảo luận hai vấn đề trọng tâm. Một là, trao đổi kinh nghiệm của các cơ quan lập pháp các nước trong việc khẩn trương hỗ trợ chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, phục hồi kinh tế. Hai là, đề ra các giải pháp hợp tác liên nghị viện, phát huy tinh thần đoàn kết ASEAN để vượt qua khủng hoảng, khẳng định quyết tâm thực hiện các chương trình hợp tác và phát triển của ASEAN đã được nêu trong Chương trình hành động Hà Nội năm 1998 (được Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, tháng 12.1998, tại Hà Nội, thông qua).

Năm 2002 là năm bận rộn của Quốc hội Việt Nam với việc lần đầu tiên đảm trách vai trò Chủ tịch AIPO và đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 23. Ngay trong năm nhiệm kỳ Chủ tịch, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động nhằm củng cố và thúc đẩy AIPO hoạt động mạnh mẽ và thực chất hơn. Có lẽ khi đó bạn bè trong khu vực cũng muốn chờ xem Việt Nam, với tư cách là một thành viên hoàn toàn mới, đóng góp như thế nào trong AIPO và thể hiện vị thế ra sao. Khởi đầu của năm Chủ tịch AIPO, Quốc hội ta tổ chức hai hội nghị chuyên đề nổi bật, đó là Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban chuyên đề về phòng, chống ma túy khu vực (AIFOCOM), tháng 1.2002; Hội nghị chuyên đề về công tác tổ chức, đổi mới hoạt động của AIPO và lập “Giải thưởng cống hiến phục vụ AIPO” (tháng 6.2002).

Chủ động, sáng tạo, uyển chuyển

Việc điều hành suôn sẻ và sáng tạo của chúng ta tại Đại hội đồng 23 Hà Nội được đánh giá là một điểm sáng, gây ấn tượng bất ngờ tới đại biểu nghị viện các nước. Chiểu theo Điều lệ và quy chế hoạt động của AIPO thì ngôn ngữ làm việc chính thức bắt buộc phải là tiếng Anh. Rất mừng là thời kỳ đó trong Quốc hội chúng ta có khá nhiều đại biểu đã và đang tham gia các hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại, sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO 2002 chủ trì phiên họp Ủy ban chấp hành AIPO 23 tại Hà Nội

Cùng với đại diện của Hội đồng Dân tộc và tất cả Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu này được huy động làm nòng cốt tham gia hội nghị. Tất cả đại biểu Quốc hội ta được cử làm Chủ tịch điều hành và báo cáo viên các Ủy ban chuyên đề đều đáp ứng các tiêu chí chung của AIPO. Đó là các Ủy ban: Ủy ban về các vấn đề Chính trị, Ủy ban về các vấn đề Tổ chức, Ủy ban về các vấn đề Kinh tế, Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Ủy ban về Đối thoại với các nước quan sát viên, Hội nghị các nữ Nghị sĩ AIPO (WAIPO), Ủy ban Thông cáo chung.

Năm 2002 cũng ghi nhận sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, Đại hội đồng AIPO 23 Hà Nội đã quyết định lập “Giải thưởng cống hiến phục vụ AIPO” - phần thưởng cao quý nhất của AIPO dành cho những nghị sĩ, những nhà hoạt động chính trị có đóng góp xuất sắc cho AIPO. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với cương vị là Chủ tịch AIPO đã trao tặng bằng ghi công và 4 giải thưởng đầu tiên của AIPO cho 4 cựu nghị sĩ Quốc hội 4 nước là các cựu nghị sĩ Kharis Suhud (Indonesia), Dato K.Pathmanaban (Malaysia), Robert Dennis Garcia (Philippines) và Prasop Ratanakorn (Thái Lan).

Để chuẩn bị cho việc tham gia tốt nhất tại Đại hội Đồng AIPO, Quốc hội ta đã tiến hành các cuộc hội thảo tập huấn cho đại biểu cách điều hành phiên họp quốc tế tại các Ủy ban chuyên đề của Đại hội đồng, phương pháp soạn thảo văn bản, về việc tham gia của Đoàn ta với tư cách quốc gia tại các hoạt động của AIPO. Một số cuộc tập huấn được tiến hành trực tiếp bằng tiếng Anh.

Theo Điều lệ và quy chế hoạt động, khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch AIPO sẽ điều hành toàn bộ hoạt động của AIPO với tư cách quốc tế. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, khi đó là Trưởng đoàn Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo và điều hành việc tham gia của Đoàn ta tại AIPO với tư cách quốc gia, bình đẳng như các Đoàn đại biểu thành viên quốc gia AIPO khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cũng thay mặt Quốc hội ta ký bản Tuyên bố chung với tư cách đại diện quốc gia và Chủ tịch AIPO Nguyễn Văn An là người ký xác nhận cuối cùng tại văn kiện chính thức này. Tương tự như vậy, ngoài việc Quốc hội ta cử đại biểu chủ trì điều hành hoạt động các Ủy ban chuyên đề (với tư cách của AIPO), từng nhóm đại biểu ta với một đại biểu làm trưởng đoàn, tham gia họp và thảo luận với tư cách quốc gia như những đoàn các nước thành viên khác tại Ủy ban.

Điều đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã chủ động sớm lên kế hoạch chuẩn bị cho việc điều hành Đại hội đồng bằng chương trình ôn luyện tiếng Anh với sự trợ giúp của một giảng viên từ Học viện Ngoại giao (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có thế mạnh là đã thành thạo tiếng Nga, được đào tạo bài bản tại Liên Xô, sau đó cũng tự học thêm tiếng Anh trong quá trình công tác từ thời gian còn ở địa phương). Việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An quyết tâm học thêm tiếng Anh để góp phần đáp ứng nhu cầu đối ngoại là tấm gương sáng cho các đại biểu Quốc hội, cho đội ngũ cán bộ, công chức của Quốc hội trong công tác và học tập.

Và quả như vậy, các đại biểu quốc tế tham dự Đại hội đồng AIPO 23 đã rất ngạc nhiên về trình độ hội nhập của các đại biểu Quốc hội Việt Nam, thông qua việc các đại diện của ta điều hành và tham gia các Ủy ban xử lý uyển chuyển các tình huống trong quá trình thảo luận tại các phiên họp, nhất là việc điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO 23./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48056