Quốc hội tưởng niệm đồng bào tử nạn, cán bộ chiến sĩ hy sinh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sáng 2-11 phát biểu chia sẻ những mất mát đau thương với đồng bào tử nạn và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do bão lũ.

Sáng 2-11, Quốc hội (QH) bắt đầu đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Sau đó, QH thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu - Ảnh: Văn Duẩn

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu - Ảnh: Văn Duẩn

Phát biểu tại tổ TP HCM về vấn đề bảo vệ rừng, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng vấn đề phá rừng làmthủy điện, thì phá bao nhiêu, trồng bao nhiêu?. "Cử tri người ta phản ánh có tình trạng phá rừng trước để lấy gỗ và làm số vốn ban đầu, sau đó mới từng bước làm thủy điện"- ông Nghĩa nói

"Ngoài ra, tôi cũng nghe lâu rồi, kể cả việc trồng lại rừng, về số lượng cũng không đáp ứng được. Bên cạnh đó cũng không ai kiểm soát chất lượng rừng trồng so với rừng nguyên sinh trước đó thì nó tác động vào môi trường như thế nào?"- ông Nghĩa đặt vấn đề và cho biết người ta cho rằng nếu có 1ha rừng nguyên sinh thì nó đảm bảo an toàn hơn cả chục ha rừng trồng, bởi rừng nguyên sinh thì hệ thảm thực vật, rễ cây chằng chéo.

Dù ủng hộ làm hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa lo lắng sợ khi triển khai coi chừng có vấn đề tranh thủ, cơ hội để chệch hướng đi.

Theo ông Nghĩa, thiên tai không thể tránh được nhưng nếu làm tốt hơn công tác phòng tránh, bớt tác động gây thiệt hại. "Ví dụ chúng ta làm hàng trăm thủy điện thì khi thiên tai ập đến như mấy tháng qua, thì hệ thống thủy điện này là thế nào để hạn chế được thiệt hại. Bài toàn đó đã tính đến chưa? hay chúng ta chỉ tính đến trồng rừng phá rừng?Chúng ta đã tính số lượng lớn đã ảnh hưởng tới người dân như thế nào? Tính đến sạt lở chưa? Cần có phân tích để 10 – 20 năm tới chúng ta ứng phó được. Thiên tai là thiên tai, không quy hết cho con người, nhưng nếu chúng ta làm tốt thì thiệt hại đỡ hơn rất nhiều về sinh mạng và kinh tế"- vị đại biểu TP HCM nói.

ĐB Trần Kim Yến (TP HCM) phát biểu

ĐB Trần Kim Yến (TP HCM) cũng băn khoăn và cho rằng giữa rừng tự nhiên và rừng trồng có sự khác nhau rất lớn. Trích dẫn ý kiến của một chuyên gia, bà Yến cho biết: "Nếu đất trống đồi trọc chỉ có cây bụi thì khi mưa xuống có tới 95% nước chảy tràn trên mặt và chỉ có 5% thấm vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ và đó là thảm họa mà chúng ta đang phải gánh. Nhưng nếu có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống đất không chảy tràn trên mặt và nếu có một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm, thì không có nước chảy trên mặt và hết mưa là mặt đất không có nước vì thấm xuống lòng đất'- bà Yến chia sẻ và cho rằng rừng tự nhiên tốt như vậy vì có tán cây, rễ sâu, thảm thực vật.. rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quoc-hoi-tuong-niem-dong-bao-tu-nan-can-bo-chien-si-hy-sinh-20201102114106493.htm