Quốc hội tiếp tục đổi mới để phục vụ tốt hơn

Sáng 22/5, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Kỳ họp thứ ba có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới…”. Và khẳng định: “ Vì lợi ích của nhân dân, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp.”

Trước đó, tại cuộc họp báo của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tinh thần của kỳ họp này là tăng cường đối thoại, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Và thay vì 2,5 ngày, tại kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên 3 ngày.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của cử tri, tại kỳ họp này, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, các đại biểu có thể kết hợp thảo luận, làm rõ những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, hoặc những vấn đề về kinh tế không có trong chương trình thảo luận riêng ở hội trường. Ví dụ, trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội có thể kết hợp thảo luận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là những vấn đề dư luận đang quan tâm.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, tại Kỳ họp thứ ba này, Quốc hội dự định sẽ mời Thủ tướng cùng đăng đàn trả lời với Phó Thủ tướng. Cách thức này sẽ góp phần làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân. Thời gian đọc báo cáo tại phiên chất vấn chỉ tối đa 15 phút, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Hành trình chuyển từ Quốc hội tham luận sang thảo luận và tranh luận tiếp tục được làm rõ hơn, nhiều cử tri nhận xét.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày đã làm rõ hơn những yêu cầu của cuộc sống. Theo đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tập trung vào các nhóm vấn đề về sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; quản lý nợ công, nợ xấu.

Có thể nêu mấy vấn đề cụ thể: Tình trạng “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp; Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; Chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chính sách và biện pháp phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; Giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thực hiện liên kết giữa Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và ngân hàng; Chính sách và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Cơ chế làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư những dự án lớn để thua lỗ, thất thoát ngân sách nhà nước; Giám sát chặt chẽ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ; Cải cách thủ tục hành chính; Tình trạng lãng phí do tổ chức các sự kiện, lễ kỷ niệm, xây dựng công trình biểu tượng của địa phương, cơ quan, đơn vị; Quản lý đất đai, tài sản của Nhà nước, nợ công, nợ xấu.

Cử tri và nhân dân mong Quốc hội đổi mới mạnh mẽ hơn, thảo luận, tranh luận, mổ xẻ sâu hơn, kỹ hơn để không còn những khe hở khi luật được thông qua. Giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng tài nguyên, ngân sách, chính sách cán bộ cùng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống dân sinh. Cử tri mong các vị đại biểu tiếp xúc và đối thoại với nhân dân nhiều hơn, liên tục hơn để nghe được nhiều hơn ý kiến của nhân dân, được vậy thì cuộc sống sẽ vào chương trình nghị sự của Quốc hội nhanh hơn và chất lượng các kỳ họp sẽ cao hơn.

Thanh Hiền

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/quoc-hoi-tiep-tuc-doi-moi-de-phuc-vu-tot-hon-post2036.html