Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông

Sáng ngày 08/11, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chính.

Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi cần thiết, Chủ tịch Đoàn sẽ mời các Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Công an và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ tham gia trả lời, giải trình rõ những vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phụ trách lĩnh vực sẽ báo cáo thêm có yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

Báo cáo nhanh trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin (còn gọi là ICT) với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD. Với sứ mạng đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, thế giới kinh tế số, xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là Bộ quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông với sứ mạng phản ánh trung thực tình hình xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận niềm tin xã hội, và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường. Bộ trưởng Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ, một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần thì báo chí sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn hướng đến mục tiêu khích lệ Việt Nam phát triển mạnh, ổn định.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo trước phiên chất vấn

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý 6 lĩnh vực chính: một là bưu chính với trọng tâm là phát triển thương mại điện tử, hai là viễn thông với trọng tâm là tạo ra hạ tầng số; ba là ứng dụng công nghệ thông tin với trọng tâm là phát triển Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; bốn là an toàn thông tin mạng với trọng tâm là tạo ra an toàn trên không gian mạng; năm là công nghiệp ICT với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; sáu là báo chí truyền thông với trọng tâm là tạo không gian thông tin trung thực, lành mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực.

Trong năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển. Xếp hạng bưu chính tăng 5 hạng từ 50 lên 45 trong tổng số 172 nước. Chủ số ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin tăng hạng từ 95 lên 41 trong 141 nước. Xếp hạng an toàn, an ninh mạng tăng từ 100 lên 50 trong số 194 nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, những vấn đề nhức nhối như vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua kênh bưu chính, là các loại rác viễn thông, sim rác, thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, là sự chậm trễ của một số dự án nền tảng của Chính phủ điện tử, tỷ lệ lớn các máy tính bị nhiễm mã độc, vấn đề các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu gia công nhiều hơn là sáng lập ra các sản phẩm Made in Vietnam, là sự bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới, vấn nạn tin giả, quảng cáo sai sự thật, vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin điện tử, đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên…

Với tinh thần lắng nghe, cầu thị, trả lời nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, qua chất vấn, lãnh đạo Bộ được trực tiếp lắng nghe, trao đổi về các vấn đề của ngành, các vấn đề sẽ nêu ra, đưa ra gợi ý dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau sẽ giúp Bộ nhìn thấy tốt hơn, rõ hơn vấn đề, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của mình cũng như cách làm, giải pháp mới. Qua đó, chung tay làm cho lĩnh vực thông tin, truyền thông, công nghệ thông tin phát triển bền vững cho Việt Nam thịnh vượng.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, việc xử lý thông tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, nguy cơ an ninh mạng, việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, vấn đề quy hoạch báo chí, bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử…

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, đặt câu hỏi về việc chỉ đạo triển khai dịch vụ công trực tuyến, khai thác chia sẻ kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia hiện được triển khai thực hiện như thế nào và có những khó khăn gì. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết về việc chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trọng tâm là Chính phủ thông minh vào quản lý điều hành, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp hiện như thế nào, giải pháp trong thời gian tới?

Có cùng quan tâm, đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết xu hướng của giới trẻ chạy theo thiết bị thông minh, chính quyền thì xây dựng thành phố thông minh trong khi nhiều nơi trên thế giới đã nhận ra mặt trái của điện thoại thông minh ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe của người sử dụng. Cũng có những thành phố từ bỏ không theo đuổi xây dựng thành phố thông minh mà theo hướng xây dựng thành phố đáng sống. Đại biểu đặt câu hỏi trước hai xu hướng đó thì Việt Nam nên theo hướng nào? Cùng với đó đại biểu Lê Công Nhường cũng cho biết, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều trang mạng xấu nhưng lại có lượng độc giả lớn, giải pháp nào để chủ động xử lý, không bị động chạy theo xử lý hậu quả?

Liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân trên báo chí, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết khoản 1 Điều 21 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Thực tế nhiều trang báo, thông tin mạng khai thác quá mức thông tin đời tư, gây bất lợi thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng cá nhân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng pháp luật quản lý thông tin, báo chí trong vấn đề này? Đại biểu cũng đặt vấn đề liệu có cần Luật quản lý thông tin đời tư bí mật cá nhân hay không?

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, phản ánh hiện nay các trang báo thường xuyên phản ánh các vụ án, đánh đập, giết người, khai thác đời tư cá nhân, biến những mặt trái của xã hội trở thành nếp sống thường xuyên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng này, mục đích của những tờ báo và phóng viên đưa ra nội dung đó là gì, có cần chấn chỉnh không?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung?

Liên quan đến thông tin mạng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, phản ánh thời gian gần đây tin nhắn rác lại quay trở lại, các tin bài phản cảm, thông tin độc hại, nói xấu chế độ, lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm, đặc biệt các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, ngân hàng đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu tấn công, nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tinh thần do tin nhắn rác lừa đảo, khủng bố. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý?

Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin phản ánh các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42770