QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH-NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Kết quả cho thấy 91,51% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ: Trong các ngày 09/6 và ngày 12/6, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính- Ngân sách tổ chức phiên họp ngày 15/6, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Có ý kiến ĐBQH cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012; việc ban hành Nghị quyết có thể dẫn đến tạo tiền lệ cho các địa phương đều mong muốn có “cơ chế đặc thù”. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình, tiếp thu như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng. Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý mà Luật Thủ đô chưa bao quát hết. Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Trong khi chờ sửa đổi Luật Thủ đô, trên cơ sở Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị và căn cứ yêu cầu thực tiễn quản lý của Thành phố Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hà Nội nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Đồng thời, trên thực tế cơ chế đặc thù chỉ áp dụng đối với địa phương được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi Luật Thủ đô đúng thời hạn theo quy định.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí; đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình như sau: Theo quy định tại Điều 17 của Luật Phí và lệ phí năm 2015, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương lần thứ 6, khóa XII, xin Quốc hội cho phép thí điểm giao HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này như quy định tại dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội. Quy định này cũng tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Về đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định mức trần thu phí, mà nên cho phép HĐND Thành phố được quyền quyết định mức thu cụ thể, phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, Thành phố phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết. Thành phố Hà Nội cũng không được quyết định đối với các khoản phí do Ngân sách Trung ương (NSTW) hưởng 100%, vì đây là các khoản phí do cơ quan Trung ương trực tiếp thu. Như vậy, các khoản phí loại trừ đã bao gồm phí Tòa án.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối NSTW. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình như sau: Theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, các cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới; phần nộp NSNN là 30% còn lại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định cho ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp NSNN sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối NSTW trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công. Thành phố sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp. Quy định này tương tự như cơ chế thí điểm cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cần cho phép Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo tiếp thu như sau: Theo quy định của văn bản pháp luật hiện hành, từ trước đến nay, Thành phố Hà Nội chưa có cơ sở pháp lý sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và 2015. Vì vậy, để tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng số thu từ cổ phần hóa nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước” như thể hiện tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết mới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ để việc tổ chức thu thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý được thực hiện đúng quy định của Luật NSNN.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự thảo Nghị quyết, đảm bảo phù hợp với pháp luật về ngân sách và chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách tiền lương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo giải trình như sau:

Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 quy định: “Các địa phương điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương đã quy định tương tự về nội dung này. Theo báo cáo của Chính phủ, Thành phố Hà Nội là địa phương không những tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn. Do vậy, việc cho phép HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết là phù hợp với Nghị quyết số 86/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII). Quy định này cũng đã được Quốc hội thí điểm giao HĐND thành phố Hồ Chí Minh quyết định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017. Vì vậy, xin Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng, việc nâng tỷ lệ trần nợ vay từ 70% lên 90% là cao, cần cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình như sau: Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho Thành phố có thêm dư địa được vay (trong nước và ngoài nước), và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay (đây là giới hạn lũy kế dư nợ vay tối đa của Thành phố). Mặt khác, hằng năm, căn cứ vào mức trần nợ công đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định cụ thể về mức bội chi, mức vay của từng địa phương, bảo đảm việc tăng mức vay của Thành phố Hà Nội được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay, bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ mức nợ công trong giới hạn cho phép. Do đó, để quản lý bội chi ngân sách và nợ công chặt chẽ có hiệu quả, dự thảo Nghị quyết quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN, thể hiện tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên quy định về nội dung này như dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, khoản tăng thu về phí, lệ phí chỉ chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là quá hẹp, nên mở rộng chi cho sự nghiệp kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội và quy định mức đầu tư xây dựng mới các công trình thiết yếu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nâng lên. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung hai nội dung trên như thể hiện tại khoản 3 Điều 1 và điểm a, khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết mới.

Ngoài những nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, rà soát toàn bộ dự thảo Nghị quyết để chỉnh lý một số điều, khoản cụ thể cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=46431