Quốc hội thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được Quốc hội thông qua chiều 13/11 với 455/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Với 6 chương, 18 điều, Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết gồm: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ.

Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên Hợp Quốc.

Chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên Hợp Quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

Theo Nghị quyết, cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có quyền hạn: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện của Việt Nam và Liên Hợp Quốc được giao theo quy định để thực hiện nhiệm vụ. Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên Hợp Quốc và thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc.

Về nội dung xây dựng lực lượng, Nghị quyết nêu rõ: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định biên chế, tổ chức đơn vị và tiêu chuẩn lực lượng thuộc thẩm quyền quản lý để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cho cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và giới tính.

Về chế độ, chính sách, Nghị quyết nêu rõ: Cá nhân, đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cá nhân, đơn vị có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Cá nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2021.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc/413976.vgp