Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Chiều ngày 18-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 93,17% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Theo Dự thảo Nghị quyết trình thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029.177 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791.887 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019.

Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 110.689.303 triệu đồng; vay ngoài nước 42.421.100 triệu đồng.

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết (ảnh Quốc hội)

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết (ảnh Quốc hội)

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về thu ngân sách nhà nước, một số ý kiến cho rằng, chất lượng dự báo và xây dựng dự toán chưa cao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, thu từ đất đai, tài nguyên còn lớn, cơ cấu thu khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2018 song đúng như các vị ĐBQH đã nêu, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững. Tuy thu NSNN giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và vượt dự toán được giao nhưng số vượt thu chủ yếu tập trung ở các khoản thu từ đất đai.

Mặc dù tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu NSNN tăng qua các năm song tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu NSNN năm 2018 mới chỉ đạt 80,7%, vẫn còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 84-85% tổng thu NSNN).

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành để nâng cao chất lượng công tác dự báo, tăng cường năng lực phân tích, xây dựng dự toán thu NSNN, từng bước đổi mới phương pháp lập dự toán thu ngân sách; ban hành và thực thi các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để cơ cấu lại nguồn thu theo hướng bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý theo tinh thần Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-phe-chuan-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2018-198108.html