Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội

Ngày 19-6, với 442/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Trong đó, đối với quản lý thu ngân sách, Nghị quyết quy định, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của TP. HĐND TP cũng được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách TƯ hưởng 100%.

 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội được 442/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội được 442/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua.

Về quản lý chi ngân sách Nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

TP Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. HĐND TP Hà Nội quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện, các thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do TP quản lý theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đối với mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, Nghị quyết quy định mức dư nợ vay của ngân sách TP Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách TP Hà Nội được hưởng theo phân cấp.

UBND TP Hà Nội báo cáo HĐND TP quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% số dư Quỹ dự trữ tài chính của TP Hà Nội đến ngày 31-12 của năm trước…

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Dự thảo Nghị quyết được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012.

Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Trong khi chờ sửa đổi Luật Thủ đô, trên cơ sở Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị và căn cứ yêu cầu thực tiễn quản lý của TP Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Đồng thời, trên thực tế cơ chế đặc thù chỉ áp dụng đối với địa phương được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP Hà Nội sớm nghiên cứu, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi Luật Thủ đô đúng thời hạn theo quy định.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-thi-diem-mot-so-co-che-chinh-sach-tai-chinh-ngan-sach-dac-thu-doi-voi-ha-noi-198266.html