Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Sáng 20-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ảnh: V.B

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), có 93,2% tổng số đại biểu đồng ý thông qua. Luật có 10 Chương, 69 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản, nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi…

Đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Đáng chú ý trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34) gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về xử lý tài sản tham nhũng (Điều 93): Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) với 85,77% tổng số đại biểu tán thành. Luật gồm 7 Chương, 46 Điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đáng chú ý, khoản 5, Điều 16 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân: “Thực hiện quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ trì thực hiện quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật; kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật; phối hợp với Quân đội nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan”.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-phong-chong-tham-nhung-sua-doi-va-luat-cong-an-nhan-dan-sua-doi/