Sử dụng lãng phí xăng, dầu có thể bị phạt tới 2 triệu đồng

Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Trong đó, đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng dầu... lãng phí có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), thực tế trong một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bước đầu đã đề ra và tổ chức thực hiện việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị coi nhẹ việc tiết kiệm, buông lỏng quản lý sử dụng xăng, dầu.

Việc sử dụng lãng phí xăng, dầu không chỉ gây lãng phí ngân sách, tăng giá thành sản phẩm, mà còn gây ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công tác được giao.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết thêm, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Sử dụng lãng phí xăng, dầu có thể bị phạt tới 2 triệu đồng. Ảnh: Hải Anh

Theo đó, hình thức xử phạt chính quy định tại nghị định bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Cụ thể, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nghị định quy định phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Chương trình về tổng thế về thực hành chống lãng phí của Chính phủ năm 2022 cũng đã nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, tiến tới giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề kinh tế.

Ngày 8/3/2022, Bộ Công thương có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công thương cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/su-dung-lang-phi-xang-dau-co-the-bi-phat-toi-2-trieu-dong-101742.html