Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

Chiều 11-11, với đa số đại biểu tán thành (94,61% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Luật quy định nhiệm vụ biên phòng như sau: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Cùng với đó là xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó là hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.

 Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tỉ lệ tán thành cao. Ảnh: VPQH

Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tỉ lệ tán thành cao. Ảnh: VPQH

* Trước đó, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10) là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ biên phòng liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nên cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu; ý kiến khác đề nghị bổ sung một khoản quy định về hình thức phối hợp cho chặt chẽ.

Giải trình thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ: Việc phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng không chỉ căn cứ vào Luật này mà còn theo quy định của pháp luật có liên quan. Để bảo đảm linh hoạt, chủ động về hình thức phối hợp, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp tại khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại khoản 5 chưa rõ đối tượng, đề nghị chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát là con người; quy định kiểm soát qua lại biên giới còn rộng, dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng.

Nói rõ về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhận thấy, việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; nếu chỉ quy định đối tượng kiểm soát là con người sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng phương tiện để cất giấu tài liệu phản động, vũ khí, ma túy… để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, ngoài việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với con người còn phải kiểm soát cả phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Toàn văn Luật Biên phòng Việt Nam tại đây

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quoc-hoi-thong-qua-luat-bien-phong-viet-nam-643561