Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Chiều nay (15-11), với 444/447 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,55%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 5 chương, 28 điều.

Chiều nay (15-11), với 444/447 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,55%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 5 chương, 28 điều.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về phạm vi bí mật nhà nước, một số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật quá rộng, không chặt chẽ, dễ dẫn đến mật hóa thông tin.

Một số ý kiến khác đề nghị rà soát để quy định cụ thể hơn; đồng thời, đề nghị đối chiếu với các luật chuyên ngành có nội dung liên quan để bảo đảm phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

UBTVQH cho rằng, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục cụ thể về bí mật nhà nước theo trình tự, thủ tục chặt chẽ (như vậy không phải tất cả các thông tin trong các lĩnh vực này đều là mật). Nghiên cứu pháp luật về bảo vệ bí mật của một số nước cũng có quy định tương tự về phạm vi bí mật nhà nước. Vì vậy, UBTVQH cho rằng, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước của Thủ tướng Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua luật

Theo UBTVQH, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc việc quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật vì cho rằng không phù hợp, không thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, UBTVQH đã tiếp thu và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại nội dung của Điều này theo hướng không quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời, bổ sung khoản 4 quy định về trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Có ý kiến đề nghị đối với trường hợp bí mật nhà nước đã hết thời hạn bảo vệ và hết thời gian gia hạn cũng cần phải đóng dấu giải mật, có văn bản hoặc dấu hiệu khác xác định đã giải mật và thông báo cho các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo UBTVQH, khi bí mật nhà nước hết thời hạn bảo vệ, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể nhận biết căn cứ vào thời hạn được xác định trên tài liệu hoặc văn bản xác định độ mật mà không cần thiết phải căn cứ vào dấu hiệu giải mật.

Đối với trường hợp này, nếu quy định yêu cầu phải đóng dấu giải mật hoặc có văn bản giải mật và thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Việc quy định đương nhiên giải mật đối với trường hợp này sẽ góp phần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết.

Theo Dự thảo Luật được thông qua, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-127564.html