Quốc hội thông qua dự án Luật Quy hoạch

Hôm nay (24/11), trong phiên họp cuối của Kỳ họp thứ 4, với 433/455 (tương ứng với 88,19%) đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch.

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Quy hoạch

Lần đầu tiên khái niệm lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được luật hóa

Trước khi biểu quyết thông qua luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh - trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, nội dung lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được giải trình chi tiết.

Theo đó, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị làm rõ việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp quy định tại dự thảo luật và cần lưu ý việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên khái niệm lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được luật hóa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng, thực hiện quy hoạch ở nước ta với mục tiêu thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương.

Theo đó, quy trình lập quy hoạch cần có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, của các chuyên gia trong và ngoài nước, được xây dựng từ dưới lên trên theo một nguyên tắc, trình tự nhất định và được gửi cho cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm lập quy hoạch. Cơ quan này có trách nhiệm tổng hợp và phối hợp đồng bộ các quy hoạch thành phần trong các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Sau khi các quy hoạch được thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch theo phương pháp từ trên xuống, đảm bảo mối quan hệ có tính thứ bậc đã được quy định trong dự thảo Luật, các quy hoạch thành phần (trong đó có các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) sẽ được phê duyệt và triển khai thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ thống nhất với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch đảm bảo thống nhất, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức Hội đồng thẩm định quy hoạch

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận dự án luật, có ý kiến đề nghị xem xét thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cho hợp lý hơn. Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch theo phương pháp tích hợp cần tuân thủ 3 nguyên tắc chính: (i) tách biệt giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch; (ii) cơ quan quyết định, phê duyệt quy hoạch phải trên 1 cấp của quy hoạch đó; (iii) cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt có trách nhiệm tổ chức Hội đồng thẩm định quy hoạch trừ quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức Hội đồng thẩm định.

Đối với quy hoạch cấp tỉnh, sẽ có rất nhiều các quy hoạch thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, có tính chất liên ngành và phải xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để tổng hợp và bảo đảm sự đồng bộ chung, do vậy, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch giúp Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và tổ chức thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hợp lý. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ đề nghị không quy định cụ thể Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch trong luật này mà giao Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch quyết định.

Theo kết quả biểu quyết sáng nay, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2019 và các quy định của luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018.

Đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Luật quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Cùng với đó là quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Về thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.

Luật Quy hoạch cũng quy định 7 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch, như: lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan; cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu trong hoạt động quy hoạch; thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt...

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/quoc-hoi-thong-qua-du-an-luat-quy-hoach.html