Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Chiều 24/11, Quốc hội thống nhất cho thí điểm cơ chế, chính sách để phát triển và tạo đột phá cho TP.HCM.

Chiều 24/11, với 460/465 (gần 93,7% đại biểu có mặt) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo Nghị quyết, về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, HĐND TP.HCM báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất một số cơ chế đặc thù.

TP.HCM được đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù gì? Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đề xuất thành phố có thêm quyền tự quyết với ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Các cơ chế này gồm: Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và Lệ phí...

Số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu nói trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.

HĐND TP.HCM được quyết định một số việc như: Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại nghị quyết này.

TP.HCM có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự đột phá. Ảnh: Hoàng Hà.

TP.HCM có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự đột phá. Ảnh: Hoàng Hà.

Nghị quyết cho phép các cơ quan hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định của nghị quyết.

Ngân sách TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản Nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.

Ngoài ra, TP.HCM cũng được hưởng số thu ngân sách từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước, do UBND TP.HCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND làm đại diện chủ sở hữu.

Về quản lý đất đai, HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích được thực hiện như quy định dưới 10 ha.

Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị quyết là cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 và thực hiện trong 5 năm.

Phó thủ tướng: 'Cơ hội vàng cho TP.HCM phát triển vượt bậc' Ngay trước giờ Quốc hội thông qua Nghị quyết cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu Quốc hội.

Thắng Quang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quoc-hoi-thong-qua-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-tphcm-post798659.html