Quốc hội thông qua chương trình giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em

Sáng 10-6, với 92,15% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua chương trình Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo đó, năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dung: xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và những tháng đầu năm 2020; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…

Kết quả biểu quyết Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020

Kết quả biểu quyết Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020

Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình; tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, đoàn ĐBQH và ĐBQH chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội: chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn đoàn ĐBQH, ĐBQH trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát.

Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn ĐBQH và ĐBQH trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát.

“Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi giám sát đối với chuyên đề về trẻ em, theo đó, nên chọn tên chuyên đề là “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em”; đồng thời, cần xác định rõ phạm vi về mặt thời gian thực hiện giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng xâm hại trẻ em thời gian vừa qua đang là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn nội dung chuyên đề theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả của chuyên đề và phù hợp với thời gian, nguồn lực của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em mới được ban hành tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ tháng 6-2017, nên các chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em đang tiếp tục được triển khai thực hiện.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục giao các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức các phiên giải trình để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em. Do vậy, xin được giữ như dự kiến", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/quoc-hoi-thong-qua-chuong-trinh-giam-sat-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em/813568.antd