Quốc hội thông qua 5 dự án luật

Chiều 19-11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thông qua 5 dự án luật gồm: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Bảo đảm đại học công lập không vô chủ

Với đa số ĐBQH tán thành, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

Về hệ thống cơ sở GDĐH, khi thảo luận luật này, một số ý kiến đề nghị bỏ mô hình đại học quốc gia, đại học vùng hiện nay vì cho là lãng phí, không hiệu quả. Tuy nhiên, giải trình lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, mô hình đại học ở Việt Nam đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận.

Do đó, vẫn giữ mô hình 2 cấp, trường đại học và đại học như hiện nay, phù hợp với xu hướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, đảm bảo ổn định hệ thống đại học hiện tại. Luật tiếp thu ý kiến ĐBQH ở chỗ không quy định cứng mô hình quản lý 2 cấp, mà quy định cơ sở GDĐH tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình.

Về đẩy mạnh tự chủ đại học, luật quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ, theo đó mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của luật.

Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Vừa qua, khi thảo luận dự án luật này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị làm rõ chủ sở hữu đối với cơ sở GDĐH công lập; quyền của chủ sở hữu trong các vấn đề về tổ chức, nhân sự, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở GDĐH thuộc sở hữu của mình. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, “đại học không thể vô chủ”.

Theo giải trình của UBTVQH, yêu cầu làm rõ vấn đề sở hữu đối với cơ sở GDĐH là hoàn toàn xác đáng và cần thiết. Dự thảo luật đã phân biệt rõ 2 loại hình là trường công lập và trường tư thục. Trường công lập do Nhà nước đầu tư thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp. Hội đồng trường (trong trường công lập) được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của cơ sở GDĐH như định hướng phát triển trường, quyết định về cơ cấu tổ chức, tham gia quyết định nhân sự chủ chốt trong trường cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật.

Tương tự, trường tư thục do nhà đầu tư là tổ chức, tập thể hoặc tư nhân thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên nhà đầu tư có quyền tham gia vào hội đồng trường để tác động đến tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các thiết chế trong nhà trường thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã hoàn thiện để thể hiện rõ hơn quan điểm này tại các Điều 7 và Điều 16, Điều 18, Điều 32…

Không đặc xá người phạm tội chống phá cơ sở giam giữ

Luật Đặc xá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,99% tổng số đại biểu tán thành. Luật bổ sung nội dung không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của quốc gia, tội chống phá cơ sở giam giữ.

Luật cũng quy định trường hợp được đề nghị đặc xá dù mới chỉ thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại.

Cảnh sát biển Việt Nam là nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển

Với đại đa số ĐBQH tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN). Luật quy định, ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ CSBVN được nổ súng vào tàu thuyền trên biển (trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin) để dừng tàu thuyền ở một số trường hợp. Luật CSBVN có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.

Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải theo đơn

Dự thảo Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua nêu rõ, thức ăn chăn nuôi là yếu tố quyết định chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), do đó cần phải quản lý chặt chẽ. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi bổ sung là loại chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, có ảnh hưởng lớn đến an toàn thực phẩm nên cần phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thẩm định trước khi công bố. Đối với thức ăn chăn nuôi đậm đặc và hỗn hợp hoàn chỉnh do tổ chức, cá nhân tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT.

Luật cho phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho con non nhằm hạn chế dịch bệnh và không ảnh hưởng đến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Tuy nhiên, luật quy định việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

Phải khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành

Theo Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải khảo nghiệm để bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người và môi trường; phải khảo nghiệm các chỉ tiêu phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm quản lý nghiêm chất lượng phân bón, hạn chế tác động xấu tới sức khỏe con người và môi trường khi sử dụng.

Việc khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành là cần thiết đối với tất cả các loại phân bón. Tuy nhiên, đối với những loại phân bón đã sử dụng phổ biến, chất lượng ổn định (phân đơn), phân bón ít có nguy cơ gây hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người thì luật quy định không phải khảo nghiệm để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

PHAN THẢO

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/quoc-hoi-thong-qua-5-du-an-luat-63315.html