Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện

Chiều 05/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện

Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Theo đó dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung về bố cục, phạm vi điều chỉnh, khái niệm thư viện, mạng lưới thư viện và một số thư viện cụ thể, thành lập và hoạt động thư viện, quản lý nhà nước về thư viện…Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như về chính sách của Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện, mạng lưới thư viện, thành lập thư viện, phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự an Luật Thư viện và cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Nhiều nội dung của dự thảo Luật được cụ thể hóa như về chính sách đối với thư viện, đa dạng hóa các loại hình thư viện, tạo điều kiện phát triển thư viện, mở rộng chức năng của thư viện công lập…Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng dự thảo Luật đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này.

Đặc biệt, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, bày tỏ vui mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và quy định rõ ràng trong dự thảo Luật việc lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam và bày tỏ tin tưởng quy định này sẽ góp phần phát triển phong trào đọc và văn hóa đọc trong nước, tạo được sự quan tâm cổ vũ, khích lệ văn đọc trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng cần có những quy định cụ thể, thiết thực hơn để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, động được nguồn lực xã hội để phát triển thư viện; cần nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn quy định về lập hồ sơ thủ tục thành lập thư viện, về đình chỉ chấm dứt hoạt động thư viện để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, đề nghị bổ sung quy định Nhà nước có chính sách đầu tư đảm bảo cho mạng lưới thư viện công lập phát triển; bổ sung quy định về vấn đề lương, chế độ, chính sách cho cán bộ thư viện ngoài công lập; trách nhiệm của người làm công tác thư viện.

Đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Trong khi đó, đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đề nghị làm rõ cơ chế tài chính, thu phí dịch vụ đối với từng loại hình thư viện để bảo đảm tính khả thi, vừa bảo đảm phát triển thư viện vừa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đồng thời đề nghị bổ sung chính sách đối với khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số để phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin cũng như Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn mà Quốc hội đang thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cũng đề nghị rà soát bổ sung quy định về thư viện cho công nhân các khu công nghiệp bởi đây là những đối tượng có ít điều kiện tiếp cận với tài nguyên thông tin.

Các đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với dự thảo quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 thư viện cấp tỉnh, đóng vai trò thư viện trung tâm trên địa bàn. Mô hình tổ chức hoạt động của thư viện cấp huyện, cấp xã sẽ do chính quyền địa phương quyết định bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội, nhu cầu người sử dụng thư viện ở địa phương. Một số ý kiến đề nghị mô hình thư viện cấp xã thành lập phòng đọc, lồng ghép thư viện cấp xã với thư viện cộng đồng.

Tán thành với việc dự thảo Luật có các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào hoạt động thư viện, song cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về khai thác quản lý, tôn trọng bản quyền của các tài nguyên số. Các đại biểu cũng đề nghị lưu ý đến quy định về liên thông thư viện như điều phối liên thông, sử dụng hiệu quả tận dụng tối đa thông tin dùng chung của các thư viện được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn quy định về trách nhiệm xây dựng ban hành tiêu chuẩn quốc gia, bộ chỉ số đánh giá hoạt động thư viện, phương thức, quy trình đánh giá hoạt động thư viện. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát hoạt thiện thêm các quy định về hành vi bị cấm và một số khái niệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận cho thấy các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và ủng hộ xây dựng Luật Thư viện để thúc đẩy văn hóa đọc của người Việt Nam, cũng như khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả của thư viện hiện nay. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là phải tổ chức thực hiện tốt Luật trong cuộc sống.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42698