Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 6. Sau đó, tại các phiên họp lần thứ 31 và 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật; xem xét, thảo luận về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật đã được chỉnh lý; tiếp tục tiếp thu ý kiến về dự thảo luật.

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau đó, qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện, khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế mà cử tri, nhân dân đã góp ý, và đóng góp thêm nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo luật.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Đề nghị làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam trong dự thảo luật

Một nội dung đáng chú ý là có một số ý kiến đề nghị làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam trong dự thảo luật. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia, song Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng cho biết: Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Bên cạnh đó, tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng, nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo luật, theo đó triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục (các điều 2,3,4); đồng thời tinh thần triết lý giáo dục cũng xuyên suốt trong các quy định của luật này”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết.

Thảo luận về nội dung này, cho rằng chưa cần thiết phải quy định rõ triết lý giáo dục trong dự thảo luật lần này song đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị, cần định hình rõ triết lý giáo dục để từ đó đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục sẽ có hướng đi cụ thể.

Không cùng quan điểm trên, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lại khẳng định, triết lý giáo dục đã rõ cả về lý luận và thực tiễn, hiệu quả. Theo đại biểu, thực tế lịch sử đã chứng minh, giáo dục nước nhà đã sinh ra các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nhân...được thế giới kính trọng, có tên tuổi, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Do đó, từng giai đoạn cần chắt lọc tinh hoa, bổ sung phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, không nên đề ra triết lý giáo dục, tránh gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.

Có nên bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước; có ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học...

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, kỳ thi “2 trong 1” thời gian qua rất được dư luận quan tâm. Bên cạnh việc xảy ra một số tiêu cực thì tỷ lệ đậu rất cao, có địa phương đạt 99%. Đại biểu băn khoăn rằng, tuy rằng khi thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh.

Đồng tình vẫn quy định thi THPT nhưng đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị dự thảo luật cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tùy thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể; tổ chức thi tuyển sinh đại học như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực...để từ đó, nâng cao chất lượng đầu vào đại học và tiết kiệm cho gia đình và xã hội.

Cần xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước

Qua thảo luận, các đại biểu cũng đều thống nhất cho rằng, cần xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo luật. Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời Luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Băn khoăn về quy định trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết: Theo dự thảo luật, quy định về xuất bản sách giáo khoa là theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng quy định gì thì không rõ. Đây là hạn chế có thể dẫn đến “loạn” sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường, thi một nẻo... Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa.

Về sách tham khảo, đại biểu tỉnh Lâm Đồng nhất trí là giáo viên bộ môn được lựa chọn, nhưng đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tránh việc giáo viên lợi dụng sách tham khảo để dạy thêm, nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh...

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng sách tham khảo rất quan trọng, nhất là ở cấp học đại học và sau đại học. Đại biểu cho rằng, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chủ trương tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo tham gia biên soạn sách giáo khoa để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là cần thiết. “Điều này nhằm tránh tính độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên cần thể hiện rõ điều này trong luật, nhằm giảm bớt bức xúc của dư luận xã hội; theo đó, điều 32 cần viết lại theo hướng: Mỗi môn học có một hoặc một số sách tham khảo, dựa trên chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”, đại biểu đề nghị.

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-thao-luan-ve-mot-so-noi-dung-con-y-kien-khac-nhau-cua-du-an-luat-giao-duc-sua-doi-574629