Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Quốc hội dành cả ngày 26/10 thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu.

Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên thảo luận chiều 25/10 (Ảnh:Quochoi.vn)

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cả năm dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.

Nhờ kinh tế xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng hơn 240 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015.

GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Lãnh đạo Chính phủ nói, nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP) thì thu nhập đầu người năm 2018 ước đạt 7.640 USD, với mức tăng bình quân 6% hàng năm, đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.580 USD.

"Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ thừa nhận kinh tế - xã hội năm 2018 vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế; sự nổi lên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, những mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet, mạng xã hội,... đã làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức.

Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, việc thực hiện thành công mục tiêu kép về tăng trưởng, lạm phát... đã tạo dư địa thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội. Trong 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Quốc hội giao, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 vượt kế hoạch. Kết quả tích cực đã tạo hiệu ứng lan tỏa, củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư.

Cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ cần phân tích rõ hơn những thách thức trong phát triển kinh tế để đảm bảo tăng trưởng ổn định, bởi diễn biến tăng trưởng kinh tế 3 quý qua có sự khác biệt. Lạm phát được kiểm soát nhưng áp lực còn tiềm ẩn; dư địa điều hành giá cả không còn nhiều, nên cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá đầy đủ hơn yếu tố này.

Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2019 tăng 6,6 - 6,8%; lạm phát bình quân khoảng 4%. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình công nghiệp trọng điểm nhằm đưa tăng trưởng công nghiệp, xây dựng đạt 8%; nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trên 3%, xuất khẩu trên 43 tỷ USD.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kinh tế vẫn lộ diện một số điểm nghẽn, như chất lượng tăng trưởng kinh tế tăng lên nhưng chưa bền vững; hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng, tăng chi phí logistic cho doanh nghiệp; nhập siêu khu vực trong nước còn lớn.../.

VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/truc-tiep-quoc-hoi-thao-luan-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-830500.vov