Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Chuẩn bị nội lực đón 'làn sóng 4.0'

Trong phiên thảo luận ngày 26-10, nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 dành được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2018, song các đại biểu cũng chỉ rõ những bất cập, đồng thời đề xuất phải chuẩn bị sẵn sàng về nội lực để ngay những ngày đầu năm 2019, đất nước nắm bắt được cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ("làn sóng 4.0").

Ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp Việt Nam để gia tăng giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Hoạt

Ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp Việt Nam để gia tăng giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Hoạt

Băn khoăn bên cạnh nhiều thành tựu

Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong năm 2018, song cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), những kết quả đạt được cho thấy, đất nước rất khởi sắc, vận nước đang lên, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh chưa đạt như mong muốn. Đó là công nghệ của nước ta còn lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Nêu số liệu năm 2017, có hơn 63.000 trẻ em trên toàn quốc mắc bệnh tay chân miệng, dịch sởi cũng có thời điểm bùng phát mạnh…, đại biểu cho rằng công tác khống chế dịch bệnh vẫn là vấn đề cần được lưu tâm. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng bảo hiểm y tế tuy cao nhưng chưa thực chất, bởi mức chi trả cho người nghèo, người có thu nhập thấp chưa cao.

Đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ với kết quả đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, song đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại, như tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tuy đã có kết quả tích cực nhưng tình trạng “được mùa mất giá” vẫn tái diễn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số vùng còn cao.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cũng chỉ ra một chi tiết cần chú ý là trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, dù nợ công giảm, nhưng nợ Chính phủ, nợ nước ngoài lại có xu hướng tăng qua các năm. Thực tế này cho thấy, dù rất nỗ lực, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào vốn và lao động. Theo đại biểu, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt các quốc gia vào cùng “vạch xuất phát” trong quá trình tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước cơ hội rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình". Song đại biểu cũng đặt câu hỏi: Liệu tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

“Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã xếp nước ta vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai. Mới đây, báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã xếp chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đứng thứ 95/140 quốc gia, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mọi nền kinh tế số” - đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích.

Gỡ những “nút thắt”

Chỉ rõ những bất cập còn tồn tại trong ngành Nông nghiệp, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng: Chính phủ đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực tế cho thấy, chưa có thời điểm nào vấn đề này được quan tâm như hiện nay, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chính là vấn đề cần được quan tâm, bởi nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm khiến cử tri rất bức xúc nhưng chưa được xử lý triệt để.

Để giải quyết bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh), cần đoạn tuyệt hoàn toàn với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Muốn vậy, phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ cao nhằm phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã; coi doanh nghiệp là động lực, là “đầu tàu” trong sản xuất nông nghiệp như các nước khác đang làm. Dẫn số liệu hiện có 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô, chất lượng thấp, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất cao, lên đến 40-45%, đại biểu cho rằng, cần thông qua chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng để nhập khẩu công nghệ sau thu hoạch khắc phục tình trạng này.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đang được Đảng, Nhà nước nỗ lực thực hiện và cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri, bước đầu có những kết quả tích cực như: Giảm 15 vụ thuộc bộ; 189 phòng thuộc vụ, cục; giảm hơn 86.000 biên chế... Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ), cần xây dựng hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ, bởi thực tế thời gian qua, việc thực hiện chủ trương này chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và còn lúng túng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) lại cho rằng, hiện chưa giảm được các đối tượng có trình độ và năng lực yếu kém. Khẳng định việc tinh gọn bộ máy không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, tuy nhiên, đã đến lúc cần phải nhận thức rõ ràng: Ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hằng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước, số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh. Nếu tiếp tục chi tiêu như vậy thì sẽ không còn ngân sách để đầu tư cho phát triển.

Cũng tại phiên thảo luận ngày 26-10, nhiều đại biểu kiến nghị về thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; các vấn đề về tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục - đào tạo... Đây đều là những vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải có nhiều giải pháp hơn nữa để kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2018 và năm 2019 về đích đúng hẹn, hoàn thành trọn vẹn các mục tiêu đặt ra.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/916909/quoc-hoi-thao-luan-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-chuan-bi-noi-luc-don-lan-song-40