Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 16/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc hội, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công hiện hành.

Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Thảo luận tại hội trường các đại biểu cho rằng, Luật Đầu tư công được ban hành năm 2014 là bước đột phá trong công tác quản lý, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là cần thiết.

Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng chỉ nên sửa đổi những vấn đề đang vướng mắc mà qua 3 năm theo dõi triển khai thi hành Luật Đầu tư công

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - cho rằng chỉ nên sửa đổi những vấn đề đang vướng mắc mà qua 3 năm theo dõi triển khai thi hành Luật Đầu tư công.

Đại biểu Bùi Văn Phương nêu rõ, quản lý đầu tư công ở trung ương hay địa phương đều chung một khuôn khổ pháp lý, tiền ngân sách địa phương và ngân sách trung ương đều là tiền ngân sách nhà nước những trong quá trình thực hiện phần ngân sách địa phương thực hiện đầu tư công do thẩm quyền địa phương quyết định dường như thuận lợi và không có gì vướng mắc nhưng phần ngân sách trung ương phân bổ chi địa phương thì lại khó khăn và chậm triển khai. Đại biểu cho rằng đây là gốc của vấn đề, không hẳn vướng mắc là do luật.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, mấu chốt để tháo gỡ những khó khăn hiện nay là sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm, Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức kế hoạch đầu tư vốn cho các bộ, ngành, địa phương kèm theo nhiệm vụ và tiêu chí, nguyên tắc, các đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết và báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát, kiểm tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - nêu rõ, Luật Đầu tư công được ban hành và có hiệu lực được 3 năm nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành mới ban hành được 1 năm. Cho nên việc đánh giá tác động của việc triển khai thực hiện luật là chưa toàn diện và đầy đủ. Việc áp dụng thực hiện luật thời gian qua còn vướng mắc chủ yếu là do khâu tổ chức thi hành nên việc áp dụng ở nhiều địa phương, ở cơ sở còn nhiều lúng túng. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị phạm vi sửa đổi của Luật nên tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai thực hiện luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn thi hành luật rõ ràng, kịp thời để pháp luật về đầu tư công được thực hiện tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị phạm vi sửa đổi của Luật nên tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự cần thiết

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang –đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc, chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công là do việc tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm, còn lúng túng, một số văn bản hướng dẫn dưới luật chưa phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Thời gian áp dụng còn quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của Luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đúng Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị trong lần sửa đổi này chưa sửa đổi quy định về tiêu chí xác định các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền như thẩm quyền của cấp huyện trong quyết định đầu tư; thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân…

Lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi

Bày tỏ băn khoăn về tính ổn định của văn bản, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội - khắng định Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng có liên quan trực tiếp tác động đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là Luật có đời sống ngắn nhất bởi mới chỉ ban hành được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật chưa bao quát hết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng trong lần sửa đổi này cần đánh giá toàn diện sâu sắc, bao quát, đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra, khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định có sức sống lâu bền, tránh tình trạng mới ban hành đã phải sửa đổi bổ sung. Nhấn mạnh, vấn đề không phải sửa đổi bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn diện Luật mà quan trọng phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Đồng thời cũng không cứng nhắc để nếu thấy những vật cản cho quá trình phát triển nhưng vì Nghị quyết của Quốc hội đã quy định mà không sửa đổi.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, quá trình sửa đổi Luật cần tập trung phân định, bóc tách cụ thể những hạn chế nào thuộc về cơ chế chính sách, thể chế pháp luật và những hạn chế nào do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. Hai là cần lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là từ phía cơ sở, riêng đối với phần quản lý nguồn lực ODA cũng cần lắng nghe ý kiến của các nhà tài trợ. Ba là cần nghiên cứu và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần phải đưa vào dự thảo luật các quy định nhằm thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng mà cụ thể là Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ nhiệm vụ hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, đảm bảo hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới cách lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế; xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan tổ chức với hiệu quả kinh tế của các dự án. Trong khi đó các quy định của dự thảo lại không thể hiện đậm nét theo các nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung thêm vào luật các quy định về thẩm quyền sử dụng nguồn lực dự phòng ở các bộ ngành địa phương, thẩm quyền quyết định danh mục dự phòng sử dụng vốn ngân sách trung ương cũng như thẩm quyền quyết định danh mục dự án; thẩm quyền kéo dài thời hạn giải ngân; quy định về giới hạn kéo dài thời hạn giải ngân.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng một số quy định của dự thảo luật chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra

Đại biểu Hoàng Quang Hàm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ - cũng cho rằng nhiều nội dung của dự thảo luật chưa đáp ứng được mục tiêu bảo đảm quản lý vốn đầu tư chặt chẽ hiệu quả hơn. Đại biểu Hoàng Quang Hàm chỉ rõ đánh giá tác động các chính sách sửa đổi bổ sung trong hồ sơ dự án luật chưa kỹ lưỡng, chưa công bằng, các chính sách cần sửa đổi thì chỉ thấy đánh giá mặt tiêu cực, những nội dung thay thế thì chỉ thấy đánh giá mặt tích cực. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trên nhiều mặt. Bên cạnh đó, nhiều nội dung của dự thảo quy định một cách rắc rối, phức tạp hơn quy định hiện hành như quy định về các khái niệm, điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền của các cơ quan…cũng cần được rà soát, nghiên cứu để quy định phù hợp.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Hồng Hải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - cũng đề nghị bổ sung đưa vốn duy tu, bảo dưỡng vào đối tượng đầu tư công để đảm bảo duy trì, phát huy hiệu quả của dự án đầu tư.

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng thảo luận về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật và nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp thu giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội như về thẩm quyền như thẩm quyền của cấp huyện trong quyết định đầu tư; thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân, bổ sung các lĩnh vực thuộc đối tượng đầu tư công, phân loại dự án đầu tư công, tiêu chí dự án đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=38428