QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trưởng về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tán thành sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thảo luận tại hội trưởng, các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013. tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với pháp luật có liên quan của các quốc gia tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro phức tạp khó lường.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Luật sửa đổi lần này cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo về người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; đảm bảo danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người Việt Nam khi đi lao động ở nước ngoài. Cơ chế bảo vệ, cơ chế trách nhiệm ra sao, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm về vấn đề đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới.

Làm rõ một số nội dung trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua giám sát tại các địa phương, doanh nghiệp đều tán thành sự thay đổi so với luật hiện hành: từ “quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;…” thành “quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…”. Đại biểu cho rằng đây là sự thay đổi có tính chất bao trùm các chính sách, nhưng cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật về các nội dung chính sách này một cách cụ thể để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, phát biểu

Về đối tượng áp dụng, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và một số đại biểu cơ bản tán thành việc Dự án Luật đã bổ sung đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo giải trình rõ việc bổ sung quy định này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công, giảm các đơn vị sự nghiệp và có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công sử dụng vốn ngoài ngân sách? Việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng? Cơ quan nào xử lý quyền lợi cho người lao động?

Bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của người lao động

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh và một số đại biểu quan tâm về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu Tô Thị Bích Châu chỉ ra rằng, quy định về chính sách của Nhà nước đã được sửa đổi theo hướng bổ sung và cụ thể hóa các chính sách để khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành. Tuy nhiên, Chính phủ, Ban Soạn thảo làm rõ một số nội dung về chính sách “Bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động nữ làm việc ở nước ngoài trong những công việc và nơi làm việc nhạy cảm về giới” đã được bổ sung tại khoản 5, nhưng chưa được cụ thể hóa trong dự thảo Luật.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động về tiếp cận thông tin; các quyền liên quan đến việc làm; quyền được tôn trọng, không bị xâm phạm thân thể, nhân phẩm; những vấn đề tài chính như các khoản phí và việc chuyển tiền lương về nước; quyền tiếp cận và thụ hưởng chính sách sau khi hết hạn hợp đồng trở về; cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ lao động nữ.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể của Dự án Luật như: Về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định thời hạn của Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo trân trọng tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Luật và sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tới./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=46389