Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Sáng ngày 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Trước đó, vào ngày 15/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, Luật này sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, dự thảo Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh. Về các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Dự thảo bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư; thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư cho các địa phương, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi và đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; về thủ tục triển khai dự án đầu tư; đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

Sửa đổi các quy định nhằm thu hút được các nhà đầu tư thực chất

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Từ thực tiễn thi hành Luật Đầu tư thời gian qua cho thấy cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc cũng như tiêu cực phát sinh như vấn đề chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu khi đầu tư hay đầu tư chui…nên cần có những giải pháp mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác. Qua đó, nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp. Các đại biểu cũng cơ bản đồng tình với nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự án Luật về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bố cục, nội dung chính của dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng Điều 1 dự thảo Luật quy định “Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.” là chưa rõ và chưa cụ thể bởi hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài gồm những hoạt động nào thì trong phần giải thích từ ngữ không giải thích rõ. Đại biểu đề nghị cần có giải thích làm rõ.

Về ưu đãi đầu tư, việc sửa đổi là cần thiết đặc biệt là trình tự thủ tục được hưởng ưu đãi song cũng cần bổ sung quy định về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì có chế tài xử lý, thu hồi ưu đãi để bảo đảm công bằng trong đầu tư. Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khắc phục tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm vi, đối tượng áp dụng, bổ sung tiêu chí điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đảm bảo việc được hưởng ưu đãi đầu tư rõ ràng, thuận lợi.

Đại biểu Dương Minh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi nhận việc thực hiện Luật Đầu tư, môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận và yêu cầu sửa đổi. Đại biểu cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nội dung bảo đảm đầu tư, do đó các biện pháp bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Trong khi đó quy định về điều khoản bảo đảm đầu tư ở dự thảo Luật mới dừng trong trường hợp có thay đổi pháp luật thực tế nhà đầu tư cần nhiều hơn, đề nghị cân nhắc có bảo đảm quyền nhà đầu tư bao gồm quyền sở hữu tài sản, việc chuyển tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đại biểu Dương Minh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Minh Tuấn cũng đề nghị quan tâm đến việc chọn lọc nhà đầu tư. Đại biểu chỉ rõ, trong quá trình thực hiện đầu tư xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu tư chui thông qua núp bóng nhà đầu tư Việt Nam. Lồng ghép điều khoản thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực, đáp ứng hiệu quả sử dụng tài nguyên, đất đai, lao động, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Cân nhắc việc cấm kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê

Đặc biệt, tại phiên họp toàn thể các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến việc bổ sung ngành nghề cấm kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê.

Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm dịch vụ “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường và cần quy định chặt chẽ hơn tránh vấn đề xã hội phát sinh. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành. Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ hơn, không thể theo kiểu không quản lý được thì cấm.

Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm dịch vụ “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này gây mất trật tự, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy, cần so sánh hiệu quả của hoạt động này với hệ quả của nó cho xã hội, hoạt động này dùng các lực lượng xã hội đen để thực hiện việc đòi nợ thuê và tồn tại hiện tượng tín dụng đen; trường hợp cấm thì nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về xử lý chuyển tiếp.

Một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá và lấy ý kiến thêm về vấn đề này trước khi quyết định cấm hoặc không.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, phản ánh, qua báo cáo công tác thi hành án năm 2018 cho thấy thi hành án thu hồi 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành, thời gian thi hành nhất là 150 ngày, như vậy quá trình này mất thời gian, án phí thi hành án lâu dài, tốn kém, dẫn đến nhiều người khi có nợ không lựa chọn các phương thức thông qua Tòa án hay Thừa phát lại. Trong khi nếu chọn dịch vụ đòi nợ, không mất phí trước nhưng khả năng thu hồi nợ từ 50% đến 70%, thời gian thu hồi nhanh, biện phápthu hồi do bên cung cấp dịch vụ tự sắp xếp.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sĩ Đồng cho rằng nên tăng cường quản lý đòi nợ thuê. Hiện nay dịch vụ đòi nợ thuê mới được quản lý ở tầm Nghị định nên còn nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng biến tướng gây bức xúc như thời gian qua. Vù vậy cần tăng cường quản lý theo hướng có quy định về đăng kí công ty và người thực hiện cụ thể và khi tiến hành đòi nợ phải xưng danh tên chủ nợ, thời gian liên lạc, cấm các biện pháp xúc phạm đe dọa hủy hoại tài sản.

Theo đại biểu Hà Sĩ Đồng không nên cấm loại hình dịch vụ này vì có cấm thì người dân cũng lách luật bằng cách thực hiện các hợp đồng hay thỏa thuận ủy quyền, có thể làm gia tăng tình trạng trây ì ko thực hiện hợp đồng. Đại biểu nhấn mạnh cách làm tốt hơn là học kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng quy định quản lý chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐQBH tỉnh Lạng Sơn, đề nghị quy định chặt chẽ và nên gọi là dịch vụ xử lý nợ, không chỉ đòi nợ mà còn tư vấn và thực hiện các biện pháp xử lý nợ khác.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cho rằng việc cấm cấm kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê không phải vì không quản lý được thì cấm bởi đây là loại hình tiêu cực. Do đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan và cơ chế quản lý tranh chấp bảo vệ tài sản quyền con người với nhiều hình thái văn minh. Còn hình thái đòi nợ cổ điển và biến tướng rất nhiều, tình trạng mất an ninh trật tự rồi cơ quan nhà nước lại mất thêm lực lượng giải quyết quản lý vấn đề này.

Tranh luận với ý kiến cho rằng thủ tục tư pháp rườm rà nên người dân ít chọn lựa phương thức này để xử lý nợ, xử lý tranh chấp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ, thủ tục tư pháp phức tạp là do tôn trọng quyền công dân, quyền con người nên cần quy định chặt chẽ và nếu thủ tục còn rườm ra phức tạp thì hướng đến hoàn thiện sửa đổi quy trình thủ tục, không phải vì thế mà duy trì hình thức tiêu cực như đòi nợ thuê.

Bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Về bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, bổ sung dịch vụ cung cấp nước sạch, bởi đây là hoạt động liên quan đến an ninh an toàn nguồn nước cho người dân, lĩnh vực này ảnh hưởng lớn đến người dân. Việc bổ sung ngành nghề này cũng nhằm nâng cao quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lợi cho chính cơ sở cung cấp nức sách trước thực trạng một số sự cố nước sạch như vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu phân tích, nếu chỉ quy định kinh doanh khai thác tài nguyên nước là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì khó quản lý bởi tài nguyên nước có nhiều loại hình khác nhau, khó đưa ra tiêu chuẩn điều kiện khi đăng kí, còn kinh doanh cung cấp nước sạch thì có tiêu chuẩn điều kiện từ đó làm cơ sở xác định đăng kí.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lưu ý quan điểm là không phản đối cho tư nhân tham gia cung cấp nước sạch hay chuyển nhượng vốn mà vấn đề nước sạch là an ninh quốc gia và khi đó cần có quy định chặc chẽ tránh tác động an ninh quốc gia, thông lệ quốc tế các nước có công cụ quản lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần rà soát danh mục đầu tư có điều kiện như nghĩa trang, bảo quản hài cốt, tâm linh, tổ chức sự kiện,…nghiên cứu có đưa vào hay không, bảo vệ giá trị truyền thống có phải kinh doanh không rồi xoa bóp châm cứu chăm sóc sức khỏe mà ko phải dịch vụ y tế cần rà soát và làm rõ.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần thiết phải đánh giá tác động, giải trình làm rõ cơ sở đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các ngành nghề về kinh doanh có điều kiện nhất là về điều kiện, hình thức áp dụng, hồ sơ quy trình, thủ tục. Đề nghị cân nhắc thận trọng việc sửa đổi danh mục để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43001